Thứ Tư, 17 tháng 9, 2008

Lãnh đạo và thách thức

Lãnh đạo và thách thức
Hội nghị trung ương lần 5 khóa X của đảng cộng sản Việt nam vừa công bố đã quyết định xong các vị trí nhân sự cấp cao cho các cơ quan trụ cột trong việc điều hành, quản lý đất nước như Quốc hội, Chính phủ, Nhà nước, Viện kiểm sát, Tòa án tối cao trong thời gian 05 năm để kịp "trình" phiên họp đầu tiên của Quốc hội khóa XII sắp tới. Gọi là Quốc hội (Hội nghị của toàn thể đồng bào quốc dân) nhưng có tới trên 90% số đại biểu là đảng viên cộng sản, thì động tác "trình" cái Quốc hội đó chỉ là một hành động không hơn việc kẻ ứng cử duy nhất cũng chính là kẻ được biểu quyết duy nhất. Như thế những nhân vật lãnh đạo tới đây của đất nước vẫn là các gương mặt tuy có thể có những cái tên mới, độ tuổi mới, phong thái mới, thậm chí có thể có những ấn tượng hấp dẫn đối với công chúng, nhưng có một điều vẫn như cũ và là điều quan trọng nhất chính ở chỗ các gương mặt đó vẫn chỉ là kết quả của những toan tính về lợi ích hoàn toàn trong nội bộ của 160 đảng viên cộng sản ( thậm chí ít hơn), chứ không phải là kết quả của sự lựa chọn từ toàn thể trên 84 triệu người dân trong nước và hơn 03 triệu kiều bào Việt nam. Rõ ràng, về phương diện chính trị, mặc dù có vai trò nắm giữ vận mệnh dân tộc và quyết định tới cuộc sống của toàn thể dân chúng, nhưng bộ máy lãnh đạo mới vẫn không có được sự ủy nhiệm chính thức của 87 triệu đồng bào Việt nam. Về phương diện năng lực, bộ máy lãnh đạo mới đã không có sự tích hợp nguồn trí tuệ lớn lao của 84 triệu đồng bào ngoài đảng cộng sản cả trong và ngoài nước. Về phương diện khoa học quản lý, bộ máy lãnh đạo đó hoàn toàn không có động lực thúc đẩy của sự cạnh tranh về các phẩm chất cần có và không có được hàng rào trách nhiệm rõ ràng để kháng lại căn bệnh lạm quyền thường có của kẻ lãnh đạo. Một cách khái quát, bộ máy lãnh đạo đó hoàn toàn giống như một nhóm người xông vào một công ty giành lấy quyền điều hành, bất chấp quyền quyết định của hội đồng quản trị và các cổ đông và đương nhiên với một công ty như thế sự Minh bạch, tính Trách nhiệm và Hiệu quả sẽ phải nhường chỗ cho sự Biển lận, Vô trách nhiệm và Thiệt hại. Thực tế đã cho thấy trước và sau khi " đổi mới", cho đến tận ngày nay, Việt nam vẫn luôn là một đất nước nổi tiếng (hổ thẹn) về chỉ số Minh bạch thấp đến mức độ vô lý là dân chúng vẫn chưa được biết rõ tiền đóng góp của mình (thuế, các khoản phí) được chi tiêu ra sao. Trách nhiệm của hệ thống lãnh đạo mới chỉ thấy ở một vài cá nhân ở cấp bộ hoặc thứ trưởng với sự truy cứu không rõ ràng, trong khi tất cả các cương vị lãnh đạo cao nhất dường như vẫn tự cho mình quyền vô can đối với các hoạt động kém và tiêu cực trong hệ thống. Vấn đề thiệt hại đối với dân chúng và đất nước đã rõ ràng tới mức trở nên cận kề hàng ngày khi phải đối diện không có sự lựa chọn với các chất độc trong thực phẩm, môi trường sống suy thoái, hệ thống giáo dục có tính đối kháng lại đạo đức và luân lý, những thất thoát hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng tiền của dân không còn là chuyện lạ, v.v. Sự thiệt hại đó là không tránh khỏi cho bất kỳ ai kể cả các đảng viên cộng sản, đặc biệt đối với phần lớn các đảng viên không có quyền lực. Với một hệ thống chính trị trì trệ và hệ lụy tai hại cho dân tộc như thế, sự phản ứng và đòi hỏi thay đổi của xã hội là điều tất yếu. Những phản ứng của xã hội gần đây đối với hệ thống chính trị đã cho thấy nhận thức chính trị của người dân đang ngày càng nâng cao, không thể chấp nhận sự vô lý của hệ thống chính trị và sự cần thiết phải đấu tranh để giành lấy quyền lợi cho chính mình. Dù không có luật cho phép biểu tình hay biết rằng không đáp ứng được các qui định về đình công, những người nông dân và tầng lớp công nhân nghèo khổ vẫn không quản mưa nắng, sống cảnh màn trời chiếu đất, bất chấp đe dọa, nhũng nhiễu của công an và cùng nhau sát cánh trong các cuộc lên đường, bãi công đòi công lý. Luật pháp đâu còn có ý nghĩa gì khi nó không giúp cho những thân phận khổ cực, đầy bất công cất lên tiếng nói. Những trí thức trẻ, doanh nhân trẻ với tuổi đời phơi phới và một tương lai vật chất thịnh vượng đã không sợ tù đày, cất cao tiếng nói đề xuất và đòi hỏi sự thay đổi chính trị theo hướng đa đảng một cách mạnh mẽ, vì lợi ích chung cho xã hội, trong đó bao hàm cả lợi ích của những người cộng sản và mọi thân nhân của họ. Nhiều vị lão thành cách mạng, cựu viên chức cao cấp cộng sản và những nhân vật tham gia kháng chiến trong cả hai cuộc chiến cũng đã thể hiện mạnh mẽ sự ủng hộ, thúc đẩy cho một sự thay đổi chính trị đa đảng. Các sáng tác văn học (truyện ngắn, tiểu thuyết, ký,…), hội họa, nghệ thuật sắp đặt, âm nhạc, sân khấu,… đã có sự kiên trì, dũng cảm, tinh tế vạch trần những hệ lụy tàn ác của hệ thống chính trị độc đoán và thể hiện những khát khao cho những đổi mới theo con đường đa nguyên. Những phát biểu, bày tỏ ý kiến của một số các cựu viên chức cấp cao nhất của cộng sản trong thời gian gần đây, cho dù có thể mang nhiều ẩn ý, cũng đã góp phần khẳng định nhu cầu cần phải thay đổi hệ thống chính trị là rất bức thiết để đáp ứng cho đòi hỏi phát triển của đất nước. Lực lượng kiều bào đông đảo tại các quốc gia văn minh cùng với cộng đồng quốc tế đang trở thành một khối đoàn kết luôn theo sát, yểm trợ, cùng cất cao tiếng nói đòi hỏi thay đổi chính trị cho quê nhà. Trong một hệ thống chính trị độc đoán, chuyên chế, một sự kiểm soát gắt gao về thông tin và tư tưởng theo đường lối toàn trị Mác-Lênin, Hồ Chí Minh, mà xã hội đã phát được ra những biểu kiến rõ ràng như thế thì sự bức xúc và nhu cầu đổi mới tiềm ẩn trong lòng xã hội đã đạt đến một ngưỡng không thể không gây quan ngại đối với bất kỳ một nhà chính trị nhạy cảm nào. Theo qui luật của lịch sử, khi một hệ thống chính trị không theo kịp hoặc không đáp ứng những yêu cầu phát triển của nhân quần, thì những phản ứng, phản kháng vô thức, hồn nhiên của nhân quần sẽ dần chuyển thành những phản kháng có ý thức và bài bản. Từ những phản kháng phân tán, lỏng lẻo sẽ chuyển dần thành các tập hợp chặt chẽ, thống nhất. Từ thái độ băn khoăn, e ngại sẽ chuyển thành thái độ cả quyết, dấn thân. Và từ những phản kháng có tính bộ phận sẽ chuyển thành những cao trào của toàn xã hội. Đó chính là xung động tiến bộ của thời đại, sự đòi hỏi chính đáng của quần chúng mà không một thế lực nào có thể cưỡng lại được. Một bộ máy lãnh đạo của đất nước sắp có thêm những gương mặt mới, cho dù chưa có được sự ủy nhiệm chính danh của dân tộc, cho dù đó có thể là kết quả của những toan tính cá nhân, nhưng trong tay họ đã nắm một phần quyền ảnh hưởng tới vận mệnh đất nước và toàn thể cuộc sống của đồng bào mình. Bỏ qua những đặc lợi cá nhân, trước mắt họ đang là những thách thức, đòi hỏi phát triển của đất nước, là tiếng kêu khổ đau của sự bất công, là những đề xuất đóng góp tâm huyết nhưng khác biệt với đảng cộng sản. Dù muốn hay không họ đã lĩnh trong tay trách nhiệm với Tổ quốc, với Nhân dân và Lịch sử. Tuy nhiên, sẽ là ngây thơ tội nghiệp khi trông đợi vào lòng thương nhân quần của những kẻ cầm quyền độc đoán. Sẽ là ảo tưởng khi chờ đợi một hệ thống chính trị khép kín đang trục lợi tự thay đổi. Nhưng cũng sẽ không có lý nếu cho rằng mọi cá nhân trong thể chế độc tài đều ủng hộ và chấp nhận mọi hệ lụy cùng với nó. Thiết nghĩ, đó chính là thông điệp rõ ràng không chỉ của các lực lượng tiến bộ trong xã hội hiện nay mà đó còn chính là tiếng vọng từ bề dày lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc và nhân loại. Hơn ai hết, chính những nhà lãnh đạo sẽ phải biết lựa chọn cho mình con đường nào: tỉnh táo và dũng cảm thúc đẩy tiến bộ cho nhân quần và thời đại để xứng đáng với trọng trách trước lịch sử hay mụ mị trước vật chất và bạc nhược trước cái bảo thủ để trở thành tội đồ của lịch sử. Đó chính là thách thức lớn nhất đối với những người nắm quyền lãnh đạo.
Hà Nội, 16/07/2007Phạm Hồng Sơn