Chủ Nhật, 14 tháng 12, 2008

Lời cầu chúc trước phiên tòa ngày 08/12/2008


Trước khi có những cuộc cầu nguyện của người Công giáo kéo dài hàng tháng trời, người Hà Nội mơ mộng nhất cũng không bao giờ dám nghĩ đến hai khu đất lớn tại Thái Hà và phố Nhà Chung nằm giữa thủ đô lại được chuyển thành vườn hoa công cộng.

Trong khi giá nhà đất của Hà Nội đang được xếp vào loại đắt nhất thế giới và quyền lực Nhà nước vẫn tỏ ra bất lực trước việc các “công bộc” lạm dụng nhà công vụ hoặc cả gan bẻ cong cả một con đường dân sinh thì động lực làm cho hai khu đất “vàng” trên trở thành công viên thật đáng khâm phục.

Bất luận thế nào, những người đóng góp vào động lực đó đã giúp cho quyền lực Nhà nước tìm lại được uy quyền (cần có) trước các thế lực núp bóng Nhà nước nhằm trục lợi hai mảnh đất trên đây. Những người đã tham gia cầu nguyện chắc chắn cũng không có mong ước gì hơn là hai mảnh đất trên phải được sử dụng vì lợi ích cộng đồng. Điều suy đoán này đã được minh chứng bằng việc các cuộc cầu nguyện đã tự chấm dứt khi hai mảnh đất trên đã được chuyển thành nơi vui chơi cho tất cả mọi người dân.

Uy quyền của Nhà nước có thể đã được định hình ngay khi thiết lập hoặc cũng có thể được bồi tạo hoặc sói mòn trong khi vận hành. Một cách thẳng thắn, những căng thẳng không đáng có như xô xát giữa người cầu nguyện và nhân viên công lực, những chiến dịch bôi nhọ, hăm dọa, tấn công bằng truyền thông hay con người đối với cộng đồng Công giáo đều là những sói mòn lớn cho uy quyền Nhà nước và uy tín của người cầm quyền. Nhưng quyết định chuyển hai khu đất thành công viên là một quyết định có thể khởi tạo lại những uy tín bù đắp cho những sói mòn đã mất nếu những người có quyền (với tư cách là một bộ máy) dám vượt qua sự băn khoăn cá nhân để quyết định thêm một bước nữa là ghi nhận công lao những người đã kiên trì cầu nguyện hay đã góp công sức để dỡ bỏ bức tường cần phải phá bỏ cho việc xây dựng công viên được diễn ra như chính quyền đã tiến hành.

Những người cầu nguyện và góp công sức đó có thể hàng trăm hàng ngìn người, nhưng trước hết cần ghi nhận tám người đầu tiên: Chị Nguyễn Thị Nhi, Chị Ngô Thị Dung, Chị Nguyễn Thị Việt, Chị Lê Thị Hợi, Anh Lê Quang Kiện, Anh Phạm Chí Năng, Anh Nguyễn Đắc Hùng, Anh Thái Thanh Hải.

Thực tế đã rõ ràng là chừng nào hai công viên Thái Hà và Hàng Trống còn là vườn hoa công cộng thì hình ảnh của tám người kể trên cũng đã trở thành một phần trong sự biết ơn của nhân dân sở tại hoặc những du khách hàng ngày tới công viên du ngoạn. Do đó việc Nhà nước chối bỏ hay quên lãng công lao của tám công dân trên đây không thể phù hợp với uy quyền của một Nhà nước chính nghĩa. Trong khi sự ghi nhận trong trường hợp này chỉ cần một hành động rất khiêm tốn và đơn giản là phán quyết “ Vô Tội” cho cả tám công dân nói trên vào phiên tòa ngày 08/12/2008 sắp tới. Phán quyết này chắc chắn sẽ xóa tan mọi căng thẳng không đáng có giữa bộ máy Nhà nước đang cần sự ủng hộ của dân chúng và cộng đồng Công giáo hơn sáu triệu người, sẽ mở ra nhiều niềm hân hoan cho xã hội. Phán quyết đó cũng hoàn toàn đúng đắn về phương diện pháp luật!

Trong trường hợp ngược lại, khi tòa án vẫn cố cáo buộc tám công dân trên như cáo trạng đã viết thì đó là một quyết định không chỉ làm vô giá trị quyết định chuyển thành công viên mà còn là một quyết định cực kỳ lạc thời, vì có biết bao linh hồn đang yên nghỉ trong nghĩa trang Mai Dịch hay nghĩa trang Thủ Đức cũng đã từng bị kết tội “Gây rối trật tự công cộng” hay “Hủy hoại tài sản”. Vậy xin chân thành cầu chúc để linh hồn các bậc tiền nhân không bị khuấy động trong ngày 08/12/2008 tới đây.

Phạm Hồng Sơn
06/12/2008