Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2009

Cân bằng quyền lực giữa các bang của Mỹ


Cuối cùng, Hội nghị [1] đã đạt được nhất trí cho nghành tư pháp quốc gia. Các đại biểu đã thông qua việc thiết lập một Tòa án Tối cao và Quốc hội liên bang sẽ đảm trách việc xây dựng hệ thống tòa án quốc gia cấp dưới. Lãnh đạo hành pháp (tổng thống) sẽ bổ nhiệm các thẩm phán. Các tòa án đó sẽ phân xử các vấn đề liên quan tới luật quốc gia (của toàn liên bang-ND), các quyền của công dân Mỹ và các vi phạm của người nước ngoài trên đất Hoa Kỳ.

Hệ thống tòa án hiện tại ở các bang sẽ tiếp tục giải quyết các vụ việc liên quan tới pháp luật của từng bang.

Hội nghị đã nghe trình bày nhiều dự án về mô hình chính quyền quốc gia. VirginiaNew Jersey đã trình bày các dự án của họ. Riêng Alexander Hamilton đưa ra dự án thứ ba, trong đó chính quyền quốc gia có quyền lực gần như không giới hạn.

Các ý tưởng của Alexander Hamilton đều không được hưởng ứng. Sau bài diễn văn dài 05 giờ đồng hồ, một đại biểu nói: “Ai cũng khâm phục Hamilton. Nhưng không ai ủng hộ được các ý tưởng đó.”

Các đại biểu đã phải bỏ phiếu để bác bỏ Dự án New Jersey. Nhưng dự án của Hamilton không được đem ra bỏ phiếu. Từ đó trở đi, tất cả các tranh luận chỉ xoay quanh dự án của Virginia.

Các đại biểu bắt đầu thảo luận về việc lập ra một cơ quan lập pháp quốc gia (quốc hội-ND). Đây là vấn đề được tranh luận gay gắt nhất trong Hội nghị. Câu hỏi về sự đại diện bình đẳng trong quốc hội đã được Hội nghị đưa ra thảo luận. Liệu các bang nhỏ và lớn có cùng tiếng nói như nhau trong chính quyền trung ương?

Một đại biểu đã mô tả thực trạng như sau: “Sự thật thì các tranh luận của chúng ta ở đây chỉ là đấu tranh cho quyền lực chứ không phải cho tự do. Các bang nhỏ có thể sẽ phải bớt quyền lực cho các bang lớn trong quốc hội. Nhưng những người sống ở các bang nhỏ vẫn có các tự do như những người sống ở các bang lớn.”

Vấn đề này đã làm tình hình trở nên hết sức nguy kịch. Một hôm, đại biểu Gunning Bedford của Delaware đã hét thẳng vào các đại biểu đến từ các bang lớn: “Thưa các ngài, tôi không tin các ngài. Nếu các ngài cố tình đè bẹp các bang nhỏ, các ngài sẽ phá tan cả liên bang đấy. Và nếu các ngài cứ cố tình, sẽ có ngay một đồng minh nước ngoài tử tế và đáng trọng hơn đưa họ đi và mang công lý tới cho họ.”

Cuộc tranh luận về cách đại diện trong quốc hội, giữa bang lớn với bang nhỏ, đã kéo dài suốt mấy tuần lễ trong mùa hè năm đó tại Philadenphia. Các đại biểu phải bỏ phiếu để đánh giá các đề án, rồi lại tranh luận các đề án khác, rồi lại bỏ phiếu. Đến đầu tháng Bảy năm đó, vẫn chưa tìm được sự nhất trí nào tốt hơn hồi tháng Năm. Như một đại biểu đã than thở: ”Hình như chúng ta đang ở trong tình trạng kẹt cứng.”
Sau đó các đại biểu phải làm theo cách mà các tổ chức lớn vẫn thường làm khi không thể tìm được sự nhất trí. Họ bỏ phiếu để bầu ra một ủy ban với mục đích để tìm một sự thỏa hiệp cho vấn đề đại diện trong quốc hội. Ủy ban với cái tên “ Ủy ban Ưu tú” sẽ phải làm việc trong các ngày tiếp theo, trong khi số đại biểu còn lại sẽ nghỉ ngơi, tận hưởng ngày lễ mồng Bốn tháng Bảy.

04 tháng Bảy là ngày công bố bản Tuyên ngôn Độc lập - là ngày lễ quốc gia tại Hoa Kỳ. Ngày lễ năm đó đánh dấu 11 năm sau khi nước Mỹ tuyên bố độc lập, thoát khỏi sự cai trị của người Anh. Đó là ngày dành để chiêm ngưỡng các lễ diễu hành, pháo hoa và thưởng thức những lời ca yêu nước. Lễ kỷ niệm còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Philadelphia. Đó là thành phố nơi bản Tuyên ngôn Độc lập được ký kết. Và bây giờ là nơi đang tạo ra mô hình mới cho quốc gia.

Vị chủ tich Hội nghị, George Washington, đã dẫn đầu một đoàn đại biểu tới dự lễ kỷ niệm tại một nhà thờ của Philadelphia. Ở đó, họ đã được nghe một bài diễn văn dành riêng cho họ, trong đó có đoạn:
“Cả nước hiện đang rất hồi hộp trông ngóng nơi quí vị,. Tương lai của đất nước đang tùy thuộc vào quyết định của quí vị. Cả nước tin rằng những người con của mình như quí vị, những người đã lãnh đạo cả nước trong cuộc đấu tranh giành độc lập, sẽ tìm ra được một chính quyền có khả năng mang lại những điều tốt lành cho mọi người Mỹ.” “Chắc chắn là chúng ta đang có những người hiểu về cách tổ chức chính quyền, có những người có khả năng giải quyết được mọi vấn đề. Chắc chắn, chúng ta sẽ có đủ khả năng để tạo ra một mô hình chính quyền bảo vệ được những tự do mà chúng ta mới giành được.”

Đúng là các đại biểu đang rất cần nghe những lời khích lệ như thế. Chỉ vài ngày trước đó, Benjamin Franklin đã biểu hiện sự bi quan về Hội nghị: “Hình như chúng ta còn thiếu nhiều kiến thức về chính trị, chúng ta đang bị luẩn quẩn trong vấn đề này. Chúng ta đã xem xét đến các mô hình chính quyền thời cổ đại. Chúng ta đã nghiên cứu các mô hình chính quyền cộng hòa xưa cũ. Chúng ta cũng xem cả các mô hình nhà nước hiện đang có khắp châu Âu. Nhưng chúng ta đã không tìm thấy mô hình nào phù hợp với tình hình hiện nay của chúng ta.”

Franklin còn kêu gọi Hội nghị nhờ đến sự giúp đỡ của Thượng Đế. Ông nói rằng mỗi buổi họp nên bắt đầu bằng một lễ cầu nguyện.

Nhưng Hugh Williamson của North Carolina đã nhanh chóng dập tắt ý tưởng của Franklin bằng lý lẽ đơn giản là Hội nghị không có tiền để trả cho mục sư làm lễ cầu nguyện.

Hội nghị quay trở lại làm việc vào ngày mồng Năm tháng Bảy. Các đại biểu cùng nghe một báo cáo của Ủy ban Ưu tú về sự đại diện trong quốc hội. Bản báo cáo đưa ra hai đề xuất. Ủy ban nói rằng cả hai đề xuất sẽ phải được cùng chấp nhận hoặc cùng bị bác bỏ.

Bản báo cáo đưa ra mô hình cơ quan lập pháp gồm hai viện. Đề xuất thứ nhất đề nghị sự đại diện ở một viện dựa theo số dân. Mỗi bang sẽ có một đại diện cho mỗi 40.000 dân trong bang đó.

Đề xuất thứ hai đề nghị sự đại diện trong viện thứ hai là giống nhau. Mỗi bang sẽ có cùng một số đại diện như nhau.

Trước đó Hội nghị cũng đã bỏ phiếu cho mô hình quốc hội có hai viện, nhưng không đạt được nhất trí về số lượng đại diện của mỗi bang sẽ có trong mỗi viện và cũng không thống nhất được cách bầu ra các đại diện.

Các đề xuất của Ủy ban Ưu tú đưa ra ngày mồng Năm tháng Bảy chính là đề xuất đã được đại biểu Roger Sherman của Connecticut trình bày vào tháng trước. Sau này, những đề xuất đó đã được gọi với cái tên là “Đại thỏa hiệp”.

Các đại biểu mất nhiều ngày để tranh luận về cách thỏa hiệp. Họ biết rằng nếu không đạt được nhất trí, Hội nghị sẽ thất bại. Đó thực là những ngày u ám tại Philadelphia.

Sau này, đại biểu Luther Martin của Maryland cho biết những gì mà các báo đưa tin về sự nhất trí của Hội nghị là không đúng sự thật. “Hội nghị suýt nữa thì tan vỡ,” Martin nói. “Cơ hội để chúng tôi ngồi lại với nhau lúc đó chỉ còn hết sức mỏng manh.”

Trước đó, các đại biểu Robert Yates và John Lansing của New York đã bỏ về để phản đối Hội nghị. Nhưng George Mason của Virginia đã tuyên bố ông sẽ chết ở đây nếu phải rời bỏ Hội nghị mà không đạt được một nhất trí nào đó.

Ngay cả George Washington cũng cảm thấy thất vọng. Ông đã viết thư cho Alexander Hamilton, người vừa tạm quay về New York: “Tôi rất buồn là ông đã đi rồi. Các tranh luận của chúng ta hiện nay, nếu còn có thể, lại đang xấu hẳn đi. Rất khó nhất trí về cách tạo ra một chính quyền tốt. Tôi đã mất gần hết hy vọng cho thành công của Hội nghị rồi. Và tôi thấy tiếc là tôi đã đồng ý tham dự vào Hội nghị.”

Trong mùa hè năm 1787, các đại biểu cũng đã tranh cãi rất lâu và căng thẳng về việc trao bao nhiêu quyền cho chính quyền trung ương. Nhưng đó không phải là vấn đề nghiêm trọng nhất của Hội nghị.
Nhiều năm sau đó, James Madison đã nói vấn đề nghiêm trọng nhất của Hội nghị là việc quyết định cách thức đại diện và biểu quyết của các bang trong chính quyền quốc gia (liên bang-ND). Đây chính là vấn đề gây nhiều khó khăn nhất cho việc thảo ra được bản Hiến pháp.
(còn nữa)

Phạm Hồng Sơn chuyển ngữ theo sự cho phép của VOA.
Tháng 04/2009


[1] Hội nghị lập Hiến của Mỹ diễn ra từ ngày 25/05/1787 đến ngày 17/09/1787 tại Philadelphia. Hội nghị bàn nhiều vấn đề về xây dựng một mô hình mới cho chính quyền liên bang Mỹ sau 11 năm tuyên bố Độc lập khỏi sự đô hộ của Anh quốc.