Thứ Hai, 5 tháng 8, 2013

Các kịch bản cho thế giới năm 2030 (phần cuối)



Tạp chí La Revue*
Hà Vi, Quang Trung dịch

TRUNG ĐÔNG

Sáu báo động đỏ

Gérard Haddad

Tình trạng bất ổn chính trị ở Trung Đông đã quá nổi tiếng. Nhưng có một điều chắc chắn là dân số sẽ già đi chút ít do tỷ lệ sinh thấp. Phần báo cáo này sẽ là một bảng điều khiển với sáu đèn báo động:

1)  Phái Hồi giáo ôn hòa của tổ chức Anh Em Hồi Giáo liệu có thể giành được quyền lực không? Rõ ràng thì đấy là ý muốn của họ. Nhưng nếu tham nhũng và thất nghiệp vẫn tồn tại, dân chúng chắc sẽ mong muốn chế độ chuyên chế quay trở lại, và họ sẽ nhìn các Hồi giáo cực đoan như là một giải pháp thay thế chủ nghĩa tư bản và dân chủ của phương tây.

2)  Các chính phủ chuyển tiếp có thể ngăn được các cuộc xung đột xã hội không? Sự bất ổn kéo dài sẽ còn dữ dội tại Irak, Libye, Yemen và Syrie. Sự tan vỡ của Irak hay Syrie cũng có thể sinh ra một nước Kurdistan độc lập. Nếu những tình huống đó xảy ra, sẽ còn lại 3 nước không Ả Rập khác cùng kiểm soát tình hình, đó là Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Israel.

3)  Nền kinh tế của cả vùng có thể lấy lại ổn định và đối phó được với xu thế toàn cầu hóa không? Khu vực này không thu hút nhiều các nhà đầu tư, ngoại trừ ba lĩnh vực dầu lửa, du lịch, và bất động sản. Sự chậm trễ của vùng này trong lĩnh vực công nghệ cũng quá lớn, hơn thế lại ít gắn bó với mạng lưới thương mại và tài chính thế giới. Sự giảm nhẹ của dân số cũng sẽ đặt ra nhiều vấn đề lớn cho y tế cộng đồng.

4)  Khát khao hạt nhân của Iran. Kể cả khi Iran dừng lại trước khi sản xuất được vũ khí hạt nhân, Ả Rập Xê Út cũng sẽ cố đoạt được loại vũ khí này từ Pakistan. Thổ Nhĩ Kì, cũng rất có thể sẽ đi vào con đường này. Và trong một viễn cảnh hai nhánh Hồi giáo, Shia và Sunni, vẫn đố kị nhau thì toàn vùng sẽ ở trong một tình trạng bất ổn liên miên. Nhưng một tình huống khác cũng có thể xảy ra. Dân chúng Iran sẽ muốn một nền kinh tế phát đạt hơn là có được vũ khí hạt nhân, và vì vậy họ sẽ lật đổ chế độ hiện tại. Ta sẽ có thể thấy ló lên một Iran dân chủ và ủng hộ phương Tây.

5)  Khả năng dàn xếp giữa Israel và Palestine. Điều này sẽ thúc đẩy sự ổn định của toàn vùng Trung Đông, và bắt Iran phải thoái lui trong chiến lược và sức mạnh của Hamas rồi Hezbollah sẽ yếu đi. Biên giới giữa Israel và Palestine sẽ tương đương với đường “xanh” hiện nay. Những vấn đề nhạy cảm nhất (việc hồi hương của những người tị nạn, địa vị pháp lý của Jerusalem, vấn đề phi quân sự hóa) có thể sẽ chưa được giải quyết hoàn toàn. Israel hiện nay đang bị chia rẽ bởi hai hệ thống giá trị nền tảng, đó là một xã hội tự do và thế tục và một thế lực đang mạnh dần của những người có tư tưởng siêu chính thống (ultra-orthodoxes)[i] và những người (Do Thái) theo dòng Chúa cứu thế (messianistes). Nếu Israel vẫn là thế lực quân sự mạnh nhất toàn vùng thì họ vẫn sẽ bị đe dọa bởi nhiều thành phần vũ trang khác – dù là nhỏ, nhưng thường trực -, nếu không kể tới mối đe dọa hạt nhân từ Iran.

6)  Ả Rập Xê Út và các chế độ quân chủ của Vịnh Ba Tư có tránh được các làn sóng biểu tình đang thay đổi thế giới Ả Rập không? Nếu phong trào này lây sang họ, đó sẽ là sự bắt đầu của một giai đoạn bất ổn lớn về kinh tế và chính trị. Nhưng nếu các chế độ này vẫn trụ được với một vài cải cách, thì tình trạng hiện nay vẫn có thể tiếp diễn. Khi đó họ sẽ hỗ trợ các nước khác đang trong giai đoạn chuyển tiếp, như Ai Cập và Syrie.

NĂNG LƯỢNG

Sự «trở lại» của Hoa Kỳ

Với cầu thế giới tăng 50% từ nay đến 2030, năng lượng vẫn là một thách thức lớn. Một sự đảo lộn kỳ diệu sẽ đến từ khí đốt sản xuất từ đá phiến

Olivier Marbot

Một số nhà bình luận đã không ngần ngại tếu táo với thuật ngữ «l’Amérique saoudite» (Nước Mỹ Xê-út). Bản báo cáo của Cơ quan năng lượng quốc tế (AIE) được công bố vào tháng 11-2012 dự đoán rằng, nhờ vào khí đốt và dầu sản xuất từ đá phiến, Hoa Kỳ có thể sẽ đạt được sự độc lập về năng lượng, và sau đó,  khoảng năm 2020, sẽ trở thành nước sản xuất dầu thô hàng đầu thế giới, các chuyên gia cũng không ngớt phỏng đoán về hàng loạt những thay đổi sẽ xảy ra ở châu Mỹ và trên toàn cầu do một sự đảo ngược như thế về tương quan sức mạnh. Những dự báo của Hội đồng Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (NIC) cũng không nằm ngoài khuôn thước này, cho rằng sự xuất hiện của các nguồn năng lượng «phi truyền thống» trở thành một hiện tượng quan trọng trong 2 thập niên tới đây ở Hoa Kỳ cũng như trên thế giới. «Phải mất một thời gian chúng ta mới có thể hiểu được hết những ảnh hưởng về kinh tế, và thậm chí về chính trị, của cuộc cách mạng công nghệ này, tuy nhiên ngày nay chúng ta có thể đã cảm nhận được những điều đó», NIC nhấn mạnh như vậy, đồng thời nhắc lại nghiên cứu của AIE và đi đến cùng một kết luận: nguồn cung của thế giới sẽ tiếp tục đáp ứng được cầu, và Hoa Kỳ sẽ nhanh chóng sản xuất đủ năng lượng để đáp ứng đủ nhu cầu của chính họ và, sau đó, trở thành nước xuất khẩu lớn về khí đốt và dầu, thậm chí có thể trở thành nước đứng đầu thế giới trong lĩnh vực này. Đối với khí đốt, ở đây không còn là viễn cảnh nữa mà người ta đã biết chắc chắn Hoa Kỳ có cơ sở để tự cung đủ trong nhiều thập niên. Tiềm năng dầu lửa ở dạng «phi truyền thống» cũng chưa được đánh giá hết và còn việc khai thác những tài nguyên này cũng mới chỉ bắt đầu.

Ả-rập xê-út bị đe dọa

NIC thậm chí còn đưa ra một đánh giá: đến khoảng 2020, Hoa Kỳ có thể sản xuất từ 5 đến 15 triệu thùng mỗi ngày! Để dễ hình dung, chúng ta nên biết Ả-rập Xê-út  hiện chỉ sản suất được khoảng 10 triệu thùng mỗi ngày. Và nhất là dầu lửa từ đá phiến «Made in USA » có giá giao động trong khoảng 44 đến 68 đô-la/thùng! Rất thấp so với mức 100 đô la hiện nay, và còn thấp hơn nữa nếu so với giá 200 đô-la mà các chuyên gia đã thông báo cách đây ít lâu. «Theo bản báo cáo, những phân tích ban đầu cho rằng nguồn năng lượng giá rẻ này sẽ thúc đẩy nhiều công ty đến làm ăn hoặc chuyển cơ sở đến Hoa Kỳ, điều đó sẽ đẩy tổng sản phẩm quốc nội gộp (PIB) tăng từ 1,7 lên 2,2%, một sự tái cân bằng của cán cân thương mại và tạo ra 2,4  đến 3 triệu việc làm mới từ nay đến năm 2030. Hoa Kỳ sẽ mua ít dầu lửa hơn và thậm chí là hoàn toàn không nhập khẩu từ các nhà cung cấp chính hiện nay khiến những nhà xuất khẩu dầu lửa này sẽ phải đi tìm các thị trường khác. Điều này sẽ gây ra nguy cơ mất ổn định cho một vài nước mà toàn bộ nền kinh tế phụ thuộc vào sản xuất dầu lửa». Cuối cùng, bản báo cáo đánh giá rằng nếu sản lượng của Hoa Kỳ đạt hoặc vượt 8 triệu thùng mỗi ngày, các nước thành viên Tổ chức xuất khẩu dầu lửa OPEP sẽ không còn khả năng ấn định giá dầu thô nữa, và, tất yếu, giá dầu lửa quốc tế sẽ sụp xuống.

Sự chuyển đổi không tốt cho năng lượng xanh

Dưới đây là một bảng phân bổ khí đốt từ đá phiến gần như tuyệt hảo, ít ra cũng là theo những tiêu chí của Hoa Kỳ. Sau khi đề cập vắn tắt tới châu Âu nơi mà nhiều quốc gia còn ngần ngại sử dụng các công nghệ thủy lực bẻ gãy (technologies de fracturation)[ii], bản báo cáo kết thúc bằng vấn đề môi trường và những rủi ro ô nhiễm cho nước và đất. Các chuyên gia của NIC thừa nhận «chỉ cần một tai nạn nghiêm trọng xảy ra tại điểm khoan với công nghệ thủy lực bẻ gãy có thể khiến dân chúng náo loạn là đủ phải dừng toàn bộ hoạt động khai thác trong toàn vùng ».

Trầm trọng hơn có thể là: Một khi hydrocarbures hóa thạch lại trở nên dồi dào và rẻ thì điều đó sẽ gây ra một trì kéo cho sự phát triển các nguồn năng lượng tái tạo! Các chính phủ, với sức ép bị trừng phạt tài chính nếu họ không kiểm soát được việc thải khí gây hiệu ứng nhà kính, liệu có còn thực sự muốn đổ tiền xây dựng các cơ sở sản xuất năng lượng từ mặt trời, từ gió hoặc thủy điện trong khi các cơ sở chạy bằng khí đốt vẫn có thể cung cấp được các sản phẩm tương tự nhưng với giá rẻ hơn? Cơ quan Năng lượng Quốc tế còn bi quan cho rằng trừ khi đạt được đồng thuận toàn cầu về việc giảm mạnh khí thải CO2, các nguồn năng lượng tái tạo có thể sẽ chỉ chiếm 4% tổng số năng lượng được tiêu thụ trên thế giới vào năm 2050. Năng lượng từ gió và mặt trời chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong 4% vốn đã rất khiêm tốn này.

Phân bổ trữ lượng khí đốt từ đá phiến trên toàn thế giới :

Theo dự tính của giới địa chất, trữ lượng khí đốt từ đá phiến được phân bổ khá công bình trên hành tinh.

Khu vực
Trữ lượng khí đốt từ đá phiến có thể khai thác (đơn vị : Tỷ m³)
BẮC MỸ
100 (Hoa Kỳ chiếm 24,0)
NAM MỸ
60 (Argentine: 21,9 ; Brésil: 6,3)
Châu Âu
15 (Pháp: 5,0 ; Ba Lan: 5,3)
Khu vực Liên Xô cũ
12
Khu vực Trung Á và Trung Quốc
100 (Trung Quốc: 36,0)
Châu Phi và Trung Đông
75 (Algérie: 6,5 ; Lybie : 8,2 ; Nam Phi : 13,7)
Khu vực châu Á-Thái Bình Dương
74 (Australie: 11,2)
Nguồn: World Energy Outlook, New Scientist, Schlumberg.




CÔNG NGHỆ

Thách thức của «Dữ Liệu Khủng»

Lưu trữ dữ liệu có thể trở thành một mặt trận của một cuộc chiến tranh đa cực về thông tin
Stesphan Marchand

«Tăng khí thải gây hiệu ứng nhà kính sẽ chậm lại sau 2010, chấm dứt vào năm 2025 và sau đó xu thế sẽ đảo chiều. Nhưng chỉ với một điều kiện là những tiến bộ công nghệ phải được tiếp tục». Những lời này là của George W. Bush, được phát biểu vào tháng 4 năm 2008, đã làm thất vọng giới sinh thái học Hoa Kỳ, những người đang trông chờ một sự ủng hộ cho việc siết chặt hơn về năng lượng. Phát ngôn đó cũng đủ cho thấy sự «mê mẩn công nghệ» (technomania) đang hoành hành khắp nước Mỹ. Với đức tin đó thì mọi vấn đề sẽ đều có một giải pháp bằng công nghệ. Bản báo cáo «Global Trends 2030» của Hội đồng Tình báo Trung ương cũng đã phản ánh rõ điều đó. Trong kịch bản lạc quan nhất của nó, tất cả các khuynh hướng kinh tế xã hội gây hại cho hành tinh chúng ta như việc dân số già đi, khí hậu nóng lên, bùng nổ các đô thị lớn, các cấu trúc nhà nước bị xóa mất, đều sẽ được bù đắp, giải quyết bằng sự xuất hiện các công nghệ mới có khả năng giảm thiểu những hệ quả xấu của các hiện tượng đó.

Chính đó là công nghệ thông tin, lĩnh vực sẽ chiếm một vai trò quan trọng nhất, nhất là khi thông tin với tất cả các dạng thức của chúng đang ngày càng trở thành trung tâm của mọi hoạt động có khả năng định hình đời sống xã hội, kinh tế và khoa học của hành tinh chúng ta. Công nghệ thông tin được ưa chuộng nhất hiện nay là «Dữ Liệu Khủng» (Big Data), đó là việc lưu trữ và xử lý những khối lượng thông tin lớn và liên tục gia tăng, đó có thể là thông tin về toàn bộ khách hàng của một doanh nghiệp, về toàn bộ những người nộp thuế của một quốc gia, về các nguồn cung trong hệ thống cấp nước sạch của một thành phố, hoặc về các kết quả của một thí nghiệm khoa học phức tạp.

Sau đây là 2 ví dụ. Trước tiên là về vật lý lý thuyết: các phụ tá của phòng thí nghiệm Máy gia tốc hạt lớn (LHC-Large Hadron Collider) ở vùng Cern tại Genève lưu trữ mỗi năm 15 pétaoctets (tương đương 15 triệu gigaoctets) dữ liệu, tương ứng với khoảng một chồng đĩa CD cao 20 km (ki-lô-mét). Còn đây thuộc lĩnh vực khí tượng: Độ chính xác trong dự báo là vô cùng quan trọng cho an toàn giao thông hàng hải, hay cho các kế hoạch gieo trồng nhà nông. Nhưng vấn đề này đang vấp phải khó khăn trong việc mô hình hóa các đám mây. Hy vọng với sự trợ giúp của các máy tính đang ngày càng mạnh hơn, một ngày nào đó, Dữ Liệu Khủng có thể giải quyết được vấn đề này.

Chi phí bảo dưỡng

Hội đồng Tình báo Trung ương (NIC) còn đi xa hơn nữa: Các giải pháp trong việc lưu trữ dữ liệu còn có thể «giúp các chính trị gia giải quyết những khó khăn về tăng trưởng kinh tế và điều hành quốc gia, giúp phát triển một mối quan hệ nhân bản hơn, trực giác hơn với máy tính, và giúp việc tiếp cận và sử dụng tri thức dễ dàng hơn», nhất là «cải thiện khả năng dự đoán về các mô hình kinh tế». Tuy nhiên, Global Trends 2030 không rơi vào tình trạng lý tưởng hóa. Bản báo cáo cũng nhận thấy khả năng lưu trữ không hạn chế các dữ liệu có thể cung cấp cho các chính phủ các công cụ đối phó với các nạn giả mạo đang gia tăng một cách khủng khiếp, và khả năng đó cũng tạo ra tình trạng quá tải về thông tin cho xã hội và dẫn đến các chi phí lớn trong việc duy trì, bảo dưỡng thông tin.○

*Nguồn : La Revue (bản giấy, tạp chí quan hệ quốc tế ra hàng tháng của Pháp) No 29, tháng Hai, 2013.





[i] Một phái thuộc Do Thái giáo (Judaism), với tên gọi khác là Haredi. Những người theo phái này được coi là phái bảo thủ nhất trong Do Thái giáo, họ cũng tự coi họ là thuần khiết Do Thái nhất với các quan điểm còn bảo thủ như phân biệt giáo dục riêng cho nam, nữ…(ND)

[ii] Công nghệ bơm chất lỏng dưới áp lực rất cao để phá vỡ, chia tách các lớp địa chất (ít thấm) trong lòng đất với độ sâu có thể lên tới 4 Km. Công nghệ này được khám phá vào khoảng giữa thế kỷ 20 với các kỹ thuật khoan thẳng đứng, sau đó được phát triển mạnh hơn với sự phát triển kỹ thuật khoan nằm ngang để thăm dò, khai thác các tài nguyên trước đây rất khó tiếp cận. (ND)