Thứ Bảy, 11 tháng 2, 2017

Donald J. Trump và ba bản Federalist (1)

Không kể bị nhiều dân Mỹ la ó, biểu tình phản đối rầm rộ, Quyết định hành pháp (executive order), có tính luật định, nhằm tạm đình chỉ ngay lập tức sự nhập cảnh các công dân từ bảy nước có đa số theo Hồi giáo, của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bị một thẩm phán và một tòa án vừa làm cho vô hiệu. Nhưng Tổng thống Trump không hề nao núng, ông tweet tức thời: “Hẹn các vị ở tòa án.” (See you in court.) Tóm tắt sơ lược này có thể đã đủ cho thấy cấu trúc chính trị Mỹ không dễ hiểu, không hề đơn giản và không dễ để cho bất cứ cá nhân, phe đảng muốn thâu tóm, thoán đoạt quyền lực tuyệt đối, triệt đi những tự do của người dân hay bán rẻ chủ quyền quốc gia. Đó chính là tư tưởng căn bản của những người đã tham chính lập ra “Hợp chúng quốc Hoa Kỳ” (The United States of America) và đã được trình bày trên mặt báo cách đây 230 năm.

Để thấy được thêm phần nào vốn tri thức vô cùng sâu rộng, tư duy chính trị hết sức sâu sắc và sự cẩn trọng vô cùng trong việc Lập quốc của những con người đó, Như Cây Tre Việt Nam trân trọng giới thiệu bản dịch của 3 trong số 85 bài Luận về Chính quyền Liên bang (Federalist Papers) của những nhà lập quốc Mỹ. Đó là các bài: Federalist 10, Federalist 51 và Federalist 39 (trích từ bản dịch trọn vẹn). 
  
FEDERALIST 10
Phạm Hồng Sơn dịch
Liên hiệp là giải pháp chống nạn bè phái và nổi loạn (tiếp theo)
Từ New York Packet
Thứ Sáu, 23 tháng Mười một 1787*

James Madison

Kính gửi Nhân Dân tiểu Bang New York:

Trong số nhiều ưu thế hứa hẹn từ một Liên hiệp được xây dựng cẩn thận[1], không ưu thế nào đáng được thiết kế cẩn thận hơn khuynh hướng dập tắt và kiểm soát tính bạo động của nạn bè phái.

Bạn hữu của các chính thể bình dân[2] cũng không bao giờ thấy lo lắng cho tương lai và khí chất của các chính thể này bằng lúc chiêm nghiệm thiên hướng chúng thường sa vào cố tật nguy hiểm đó.

Do vậy, những người ủng hộ chính thể bình dân sẽ luôn trân trọng mọi kế hoạch đưa ra được cách chữa trị đúng đắn cho cố tật này nhưng không phạm vào các nguyên tắc máu thịt của họ.

Bất ổn, bất công và hỗn loạn xảy ra trong các cơ quan công quyền[3] luôn thực sự là các chứng bệnh hiểm nghèo làm chính quyền bình dân ở mọi nơi liên tiếp sụp đổ; chúng cũng liên tục là những chủ đề hấp dẫn và màu mỡ cho các đối thủ của tự do dựng ra những xảo ngôn bậc nhất.

Những cải tiến giá trị do các bản hiến pháp của Mỹ[4] mang đến cho các mô hình bình dân, cả cổ đại và hiện đại, chắc chắn không phải đang được ngợi khen quá lời; nhưng sẽ là thiên vị không thể chấp nhận nếu cho rằng chúng đã thực sự loại đi được mối nguy đó như chúng ta mong muốn, trông đợi.

Các ta thán vẫn vang lên khắp nơi, từ những công dân đức hạnh nhất, thận trọng nhất cho tới những bằng hữu của đức tin chung và riêng, những thân hữu của tự do công cộng và cá nhân, tất cả đều cho rằng các chính quyền của chúng ta quá bất ổn, rằng phúc lợi chung bị khinh rẻ trong các xung đột bè đảng kình địch[5], và rằng các vấn đề luôn luôn được giải quyết không theo nguyên tắc công lý, tôn trọng quyền thiểu số, mà bằng sức mạnh vượt trội của một phe đa số tư lợi, áp chế.

Dù chúng ta hết lòng cầu mong những ta thán đó là vô căn cứ, các chứng cứ từ những sự kiện hiển hiện sẽ không cho phép chúng ta phủ nhận rằng chúng có một phần sự thật. Quả thật, bằng con mắt ngay thẳng nhìn lại hiện trạng, chúng ta sẽ phải thấy có một số vấn nạn đã bị qui nhầm trách nhiệm cho sự vận hành của các chính quyền của chúng ta; nhưng đồng thời chúng ta cũng sẽ thấy, các lý do khác không thể tự lĩnh hết trách nhiệm cho những vấn nạn tồi tệ nhất; và, đặc biệt, cho sự bất tín đang dâng trùm lên các hoạt động công quyền, và sự báo động cho các quyền cá nhân, tất cả đang ầm ầm tràn lan khắp lục địa. Những vấn nạn đó chủ yếu, nếu không phải hoàn toàn, là hậu quả của tính bất nhất và bất công do đầu óc bè phái lây nhiễm vào các cơ quan công quyền của chúng ta.

James Madison (1751-1836)
Một bè phái, theo tôi hiểu, là một số công dân, dù đạt đa số hay thiểu số của toàn bộ, hợp lại với nhau, và do một hối thúc chung nào đó, khát vọng hoặc quyền lợi, cùng hành động ngược quyền của các công dân khác, hoặc trái các lợi ích lâu dài và toàn thể[6] của cộng đồng.

Có hai phương pháp chữa trị các nghịch thói của bè phái: một, loại bỏ các nguyên nhân sinh ra nó; hai, kiểm soát các tác động của nó.

Để loại các nguyên nhân sinh ra bè phái cũng có hai cách: một, phá bỏ tự do - cái cốt yếu cho bè phái tồn tại; cách kia, làm cho mọi công dân luôn có cùng một quan điểm, cùng một đam mê và cùng các lợi quyền giống hệt nhau.

Thật không có lời nào đúng hơn để nói về cách chữa thứ nhất: thuốc chữa hiểm hơn căn bệnh. Tự do cho bè phái cũng như không khí cho lửa, thiếu nó lửa phụt tắt. Nhưng xóa bỏ tự do, điều tối cần của đời sống chính trị, vì nó nuôi dưỡng bè phái chẳng kém ngu hơn việc cầu cho hết sạch khí trời, cái thiết yếu của đời sống động vật, vì nó dung dưỡng ngọn lửa phá hoại.

Cách thứ hai lại thiếu tính khả thi như cách thứ nhất thiếu sự khôn ngoan. Chừng nào lý trí con người còn sai lầm và chừng nào con người còn tự do tư duy, các ý kiến khác nhau còn hiện diện. Chừng nào cầu nối giữa lý trí và lòng tự ái[7] của con người còn thông thương, nhãn quan và dục vọng của con người còn ảnh hưởng lẫn nhau; và những cái trước sẽ còn bị những thứ sau đeo bám.

Sự đa dạng của năng lực con người, nguồn gốc sinh ra các quyền của cải, là một ngáng trở không kém nan giải cho ý muốn đồng nhất hóa mọi ham muốn, quan tâm. Bảo vệ những năng lực đó là nhiệm vụ đầu tiên của chính quyền. Sự bảo vệ các năng lực khác nhau và không bằng nhau trong việc thủ đắc của cải sẽ chắc chắn đưa ngay tới tình trạng sở hữu không giống nhau các tài sản khác nhau; và từ tác động của các tình trạng này lên tình cảm, tầm nhìn của các chủ sở hữu tương ứng sẽ đưa tới sự phân chia xã hội thành các nhóm quyền lợi khác nhau, các phe đảng khác nhau.

Như vậy, những nguyên nhân tiềm tàng của bè phái đã được cấy ngay trong bản thể con người; và chúng ta thấy chúng khắp nơi với các mức hoạt động khác nhau tùy thuộc vào hoàn cảnh khác nhau của xã hội công dân[8].

Sự nhiệt thành với các quan niệm khác nhau về tôn giáo, về chính thể, và về nhiều vấn đề khác, trong suy luận cũng như hành động; sự gắn bó với các thủ lĩnh khác nhau cùng đua đấu quyết liệt vì danh tiếng và quyền lực; hoặc với những người có các tố chất khuấy động lòng người khác nhau, tất cả rốt cuộc đã chia loài người thành những phe đảng khác nhau, thổi bùng lòng hằn thù lẫn nhau, và khiến họ dễ hục hặc, hiếp đáp nhau hơn rất nhiều thay vì phải hòa hợp cùng nhau cho phúc lợi chung.

Thiên hướng thù địch giữa con người mạnh tới mức nếu không có điều kiện đặc biệt, những khác biệt tầm phào, cảm tính nhất cũng đủ khơi ra cừu địch và làm nổ ra các xung đột bạo liệt nhất[9]. Nhưng cội nguồn thông thường, dai dẳng nhất của bè phái là sự phân phối bất bình đẳng, đa dạng về của cải. Những người có và những người không có của cải đã từ lâu là những nhóm lợi quyền khác hẳn nhau trong xã hội. Những người là chủ nợ và những người là con nợ, cũng rơi vào tình trạng phân rẽ tương tự.

Quyền lợi của chủ đất, quyền lợi của chủ máy, quyền lợi của thương nhân, quyền lợi của nhà giàu, cùng với cơ man quyền lợi nhỏ hơn khác, sẽ tất yếu hình thành trong các dân tộc văn minh và chia họ thành các giai cấp khác nhau có hành động theo các nhận thức và nhãn quan khác nhau. Điều chỉnh những quyền lợi, ham muốn vừa đa dạng vừa đụng chạm nhau như thế là nhiệm vụ cơ bản của pháp luật hiện đại, và là sự can dự vào tinh thần phe đảng, bè phái trong các hoạt động thông thường, thiết yếu của chính quyền.

Không ai được phép làm người phân xử trong chính vụ việc của họ, vì quyền lợi của họ chắc chắn sẽ làm thiên lệch phán xét và, không phải không thể, làm mục ruỗng đức liêm chính của họ. Tương tự, không, phải là quan trọng hơn, một nhóm người không thể cùng lúc vừa là người phân xử vừa là các bên tranh chấp; và biết bao các luật quan trọng nhất còn là gì khi quá nhiều quyết định tư pháp thực tế chẳng lo gì cho quyền của những con người riêng biệt mà lại lo cho quyền của các khối công dân to lớn? Các nhóm đại diện lập pháp thuộc các giai tầng khác nhau còn ích gì khi họ chỉ là những cổ xướng viên, những phe đảng vì những mục tiêu họ đã quyết? Một dự luật liên quan tới nợ tư ư? Là vấn đề sẽ làm giới chủ nợ đứng về một bên và những con nợ dạt sang bên kia. Công lý cần phải giữ cho được cân bằng giữa hai phía.

Tuy nhiên, các bên tranh chấp lại đang, và buộc phải, là chính người phân xử; và phe đông đảo nhất, hay, nói cách khác là phe mạnh nhất, chắc chắn sẽ áp đảo. Sản xuất nội địa phải chăng sẽ được khuyến khích lên một mức bằng cách hạn chế các sản phẩm ngoại quốc là những vấn đề sẽ có sự định đoạt khác nhau giữa giới chủ đất và giới công xưởng và rất có thể sẽ chẳng có giới nào chỉ chú tâm cho công bình và phúc lợi công cộng.

Phân bổ sắc thuế trên các loại tài sản khác nhau là hành động dường như cần phải có lòng công tâm cao nhất; và dầu chưa có hành động lập pháp nào ẩn chứa cơ hội lớn hơn, khuyến khích hấp dẫn hơn cho phe đa số đè bẹp các nguyên tắc công lý, thì mỗi đồng bạc phe đa số đang bổ vào lưng phe thiểu số là một đồng tiết kiệm cho hầu bao của riêng họ.

Thật hão huyền khi cho rằng các chính trị gia thông thái sẽ có khả năng điều chỉnh các quyền lợi đối kháng đó và làm cho tất cả phải phục vụ phúc lợi công. Hơn nữa, các chính trị gia thông thái không phải luôn luôn giữ được kiểm soát[10]. Nhiều khi, một sự điều chỉnh như thế cũng không thể làm được nếu không xét tới các nguyện vọng âm thầm và xa xôi, những điều hiếm khi vượt qua được các quyền lợi cấp thời của một phe đảng luôn bất chấp lợi quyền của người khác hoặc của toàn xã hội[11].

Chúng ta buộc phải suy ra rằng các NGUYÊN NHÂN GỐC RỄ của nạn bè phái là không thể loại bỏ, và cách chữa duy nhất chỉ nằm trong việc kiểm soát các TÁC ĐỘNG của chúng mà thôi.

Khi một bè phái nhỏ hơn đa số, cách chữa nằm ngay trong nguyên lý cộng hòa – cho phép đa số bác bỏ các quan điểm nguy hại thông qua lá phiếu thường kỳ. Bè phái này có thể gây ách tắc chính quyền, làm náo động xã hội nhưng không có khả năng thực thi và che giấu bạo hành dưới các vỏ bọc Hiến pháp[12]. Nhưng khi một bè phái đạt đa số, dạng thức chính quyền bình dân lại cho nó khả năng bất chấp cả phúc lợi công lẫn các quyền của các công dân khác để thực hiện dục vọng thống trị.

Do đó, bảo đảm phúc lợi công và các quyền cá nhân trước hiểm họa của loại bè phái vừa nói, đồng thời duy trì tinh thần, nền tảng cho chính thể bình dân, là mục đích trọng tâm trong các cuộc tìm hiểu của chúng ta. Tôi cũng muốn thêm rằng đó chính là điều kiện thiết yếu để loại chính thể này có thể thoát khỏi nỗi hổ nhục nó đã phải gánh từ bao lâu, và để nó có thể xứng đáng được nhân loại trân trọng, chấp nhận[13].

Làm cách nào đạt được mục đích này? Dĩ nhiên, chỉ có thể bằng một trong hai cách. Hoặc phải ngăn không cho các thành viên của một tập hợp đa số có cùng một say mê, cùng một mối lợi vào cùng một thời điểm, hoặc cái đa số đã có cùng một mối lợi, một mối say mê như thế rồi phải bị tước đi khả năng phối hợp và thực hiện các ý định trấn áp qua cách lợi dụng số lượng hay hoàn cảnh địa phương của họ. Nếu dục vọng lại gặp được cơ hội, chúng ta biết rõ rằng khi đó cả giáo huấn đạo đức lẫn tôn giáo sẽ chẳng còn có thể trông cậy được gì. Các giáo huấn đó cũng chẳng còn thấy chống nổi những phi lý, bạo hành của con người, và hiệu lực của chúng còn suy giảm theo số người gắn kết cùng nhau, nghĩa là hiệu lực càng giảm khi nhu cầu cần chúng càng lớn[14].

Từ cách nhìn này, chúng ta có thể kết luận rằng một nền dân chủ thuần túy, với ý của tôi là một xã hội bao gồm một số ít công dân và tất cả cùng hội lại để trực tiếp điều hành chính quyền[15], không thể có cách chữa các nghịch thói của bè phái. Một tập hợp đa số ở nơi đó, gần như là luôn luôn, có cùng một quan tâm, cùng một dục vọng; việc trao đổi, phối hợp lại được chính dạng thức chính quyền đảm bảo; và, sẽ không có gì để ngăn chặn các xúi giục hiến thí phe yếu, hoặc trừ bỏ một cá nhân ương nghạnh[16]. Do vậy, các nền dân chủ như thế vẫn mãi là những thảm cảnh của rối loạn và đối đầu; chưa bao giờ thuận lợi cho an ninh cá nhân và quyền sở hữu tài sản; thường sống thì ngắn ngủi mà chết lại đau thương. Các thuyết gia bảo trợ loại chính quyền này đã sai lầm khi giả định rằng bằng cách giản đơn hóa loài người xuống mức bình đẳng tuyệt đối trong các quyền chính trị, con người sẽ đồng thời trở nên bình đẳng tuyệt hảo và trở thành đồng nhất về sở hữu, quan điểm và dục vọng.

Một nền cộng hòa, với ý của tôi là một chính quyền có áp dụng cơ chế đại diện, lại cho thấy một viễn cảnh khác và hứa hẹn phương thuốc chúng ta đang tìm. Bây giờ xin hãy cùng xem những điểm khác so với nền dân chủ thuần túy rồi chúng ta sẽ thấy rõ bản chất của phương thuốc cùng tính hiệu quả do Liên hiệp chắc chắn mang lại.

Có hai khác biệt quan trọng giữa một nền dân chủ và một nền cộng hòa: thứ nhất, nhóm người trong chính quyền, ở loại sau, là một số ít công dân được bầu ra bởi toàn số công dân còn lại; thứ hai, số công dân càng tăng, không gian (sphere) lãnh thổ càng lớn, loại chính thể sau càng phát triển[17].

Hệ quả từ khác biệt thứ nhất là, một mặt, nó cho phép tinh lọc và mở rộng các tầm nhìn của cộng đồng bằng cách đưa chúng duyệt qua một nhóm công dân đã được tuyển có năng lực tốt nhất trong việc xác định những lợi hại đích thực cho quốc gia, có lòng ái quốc và yêu chuộng công lý khó có thể dám hy sinh các quyền lợi quốc gia cho những mưu tính nhất thời hay phe đảng[18]. Bằng cách này, tiếng nói của công luận, được tỏ qua các đại diện của dân, sẽ tương hợp hơn với phúc lợi công so với khi người dân tự thể hiện trong các cuộc tập hợp cầu ý. Nhưng mặt khác, cách thức này cũng có thể đưa đến hệ quả trái ngược. Những kẻ có tính khí bè phái, định kiến địa phương hoặc mưu đồ hắc ám, có thể, bằng cách lừa phỉnh, hối lộ hoặc bằng mọi cách, trước hết đoạt được phiếu bầu của dân sau quay ra phản lại các quyền lợi của dân[19]. Đến đây, câu hỏi đặt ra là: nước cộng hòa nhỏ hay lớn phù hợp hơn cho việc bầu được những người canh giữ tốt nhất cho phúc lợi công? Câu trả lời đương nhiên thuộc về nước cộng hòa lớn bởi hai luận cứ rõ ràng:

Trước tiên, cần phải thấy rằng nước cộng hòa dù nhỏ đến đâu, các đại diện cũng phải đạt tới một số nhất định đủ chống được các nhóm âm mưu gồm một số người; và dù lớn đến mấy, các đại diện cũng phải bị giới hạn trong một số nào đó để tránh tình trạng nhiễu loạn vì quá nhiều.

Vậy số đại diện trong cả hai trường hợp đều không tỷ lệ với số cử tri, và có tỷ lệ cao hơn ở nước cộng hòa nhỏ dẫn tới hệ quả là nếu tỷ lệ những người đủ phẩm chất trên tổng dân số trong nước cộng hòa lớn không ít hơn trong nước cộng hòa nhỏ thì ở nước cộng hòa lớn sẽ cho nhiều lựa chọn hơn, và đưa tới xác suất chọn được người phù hợp sẽ lớn hơn.

Tiếp theo, vì mỗi vị đại diện trong nước cộng hòa lớn sẽ được chọn bởi một số người nhiều hơn so với trong nước cộng hòa nhỏ, sẽ khó khăn hơn cho các ứng viên bất tài tiến hành các mưu chước tồi bại thường có trong bầu cử; và nếu đầu phiếu càng tự do thì càng nhiều khả năng cử tri châu tụ (centre) vào những người có phẩm chất hấp dẫn nhất, có nhân cách tỏa sáng (diffusive) và vững vàng nhất[20].

Nhưng, trong vấn đề này, như hầu hết các vấn đề khác, chúng ta phải thừa nhận cả hai trường hợp đều có một tình trạng trung dung chứa nhiều phiền toái. Khi tăng số lượng cử tri quá cao, quí vị sẽ làm cho đại diện hiểu biết quá ít các vấn đề địa phương và các quyền lợi nhỏ. Khi giảm số lượng cử tri quá thấp, quí vị làm đại diện gắn bó quá nhiều với các vấn đề đó nhưng lại quá thiếu phẩm chất để hiểu và quan tâm tới các vấn đề quốc gia lớn lao. Hiến pháp liên bang đang đưa ra một giải pháp tổng hợp tuyệt vời cho vấn đề này: quyền lợi lớn và toàn thể được ký thác cho lập pháp quốc gia[21], các quyền lợi địa phương và cá nhân giao cho các lập pháp tiểu Bang.

Một điểm khác nữa, chính thể cộng hòa có khả năng tiếp nhận số công dân và chu vi (compass) lãnh thổ lớn hơn so với chính thể dân chủ; và đây là yếu tố cơ bản khiến các câu kết bè phái ở chính thể trước ít đe dọa hơn so với chính thể sau[22]. Xã hội càng nhỏ, càng ít khả năng hình thành nhiều phe đảng, quyền lợi khác biệt; càng ít phe đảng và quyền lợi khác biệt, càng nhiều khả năng một đa số[23] nằm ngay trong một đảng; và số người trong một phe đảng chiếm đa số càng nhỏ, đồng thời lại nằm trong một chu vi cũng nhỏ thì càng dễ dàng cho phe đảng đa số phối hợp, thực hiện các mưu đồ đàn áp. Hãy mở rộng không gian, quí vị sẽ làm tăng các phe đảng, quyền lợi khác nhau; quí vị sẽ làm giảm nguy cơ một đa số của xã hội có cùng ý muốn xâm phạm các quyền của công dân khác; hoặc cả khi một ác ý như thế tồn tại, sẽ khó khăn hơn cho bọn họ tập hợp sức mạnh, và hiệp đồng để ra tay[24].

Ngoài những kìm chế khác, có thể thấy ngay rằng ở đâu có một ý đồ bất chính, bất thiện, sự trao đổi thông tin luôn bị ngăn trở bởi sự hoài nghi tỷ lệ thuận với số người tối thiểu cần hiệp đồng.
Vậy, điều đã rõ ràng là lợi thế của nền cộng hòa so với nền dân chủ trong việc kiểm soát các tác động của nạn bè phái cũng là lợi thế của nước cộng hòa lớn so với nước nhỏ và cũng là lợi thế của Liên hiệp so với các tiểu Bang thành viên.

Lợi thế đó có bao hàm chọn được những đại diện sáng suốt và đức hạnh vượt được trên các định kiến vùng miền và các toan tính bất chính? Không thể phủ nhận rằng cơ quan đại diện của Liên hiệp sẽ có khả năng cao nhất đạt được các năng lực tối cần đó.

Lợi thế đó có bao gồm an ninh tốt hơn vì sự đa dạng nhiều hơn về phe đảng sẽ chống lại bất cứ phe đảng nào có khả năng áp đảo về số lượng và toan tính đàn áp số còn lại? Đương nhiên, sự đa dạng của phe đảng trong Liên hiệp tăng sẽ làm an ninh tăng lên tương ứng.

Sau rốt, lợi thế đó có tạo được các rào chắn lớn hơn để chặn một đa số bất chính, tư lợi có thể hiệp đồng, thực hiện các toan tính bí mật? Ở đây, qui mô của Liên hiệp, một lần nữa, chứng tỏ đây là lợi thế nổi bật nhất.

Lãnh tụ các bè phái có thể làm bùng lên một đám cháy trong các tiểu Bang riêng của họ nhưng không có khả năng tràn lửa sang các Bang khác. Một giáo phái có thể suy thoái thành một bè phái chính trị[25] trong một vùng Bang liên (confederation)[26]; nhưng sự đa dạng giáo phái trải rộng khắp bang liên sẽ đảm bảo để các hội đồng quốc gia đủ sức chống được mọi mối nguy từ hiểm họa này.

Những thịnh nộ về tiền giấy[27], về xóa nợ[28], về phân phối bình đẳng tài sản, hoặc về bất kỳ dự định sai trái, quỉ quyệt nào cũng ít có khả năng lan tràn bao phủ toàn Liên hiệp so với một tiểu Bang thành viên; tương tự, bất kỳ một tệ nạn nào như thế cũng dễ quấy đảo một vùng, một quận hơn là toàn bộ tiểu Bang.

Do đó, với qui mô và một cấu trúc đúng đắn như thế của Liên hiệp, chúng ta đang có trong tay một cách chữa trị cộng hòa cho những chứng bệnh nguy hiểm nhất của chính thể cộng hòa. Và càng tự hào, vui sướng bao nhiêu vì chúng ta là người cộng hòa, chúng ta càng cần nhiệt thành cổ xướng tinh thần và ủng hộ lòng chính trực của những người Liên bang.

Publius
* Trong năm (5) nguồn người dịch tham khảo (nêu trong Lời giới thiệu) có hai nguồn (www.constitution.org; bản dịch Pháp văn Le Fédéraliste của Anne Amiel, Paris Classiques Garnier, 2012.) ghi thời gian xuất bản bài này là 22 tháng Mười một 1787. Nguồn oll.libertyfund.org như thường lệ không ghi thời gian xuất bản. Hai nguồn còn lại đều ghi thời gian xuất bản là 23 tháng Mười một 1787. Nguồn Anh ngữ căn bản để dịch : www.foundingfathers.info/federalistpapers/.


-          Các ghi chú là của người dịch. Ghi chú có chữ A.A. là dựa theo ghi chú trong bản dịch Pháp văn của Anne Amiel. 

(còn 2 phần)


[1] Khi 13 thuộc địa của Anh tại Bắc Mỹ cùng nhất trí đòi độc lập khỏi sự điều hành và kiểm soát của chính quyền Hoàng gia Anh quốc, đại diện của các thuộc địa đó đã cùng nhau lập ra một mô hình nhà nước chung cho 13 thuộc địa gọi là Bang Liên (confederation). Các đại diện lập quốc đó đã thảo ra một bộ khung pháp lý (một dạng hiến pháp) cho bang liên, có tên là the Articles of Confederation. Tháng 7/1776 dự thảo pháp lý được trình cho Quốc hội lần 2 (Congress - được lập vào 10/05/1775). Nhưng vì cuộc chiến giành độc lập với Anh xảy ra, mãi tới ngày 15/11/1777 Quốc hội mới thông qua dự thảo và chuyển tiếp cho cơ quan lập pháp của các tiểu Bang để phê duyệt và tới ngày 01/03/1781 bản dự thảo mới được tất cả quốc hội các tiểu Bang phê chuẩn. Tình hình 13 tiểu Bang sau chiến thắng giành độc lập rất rối ren, có nguy cơ tan vỡ nhưng the Articles of Confederation không đủ khả năng giải quyết. Đó chính là lý do dẫn đến Hội nghị Liên bang (the Federal Convention) được triệu tập ở Philadelphia từ 25/5/1787-17/9/1787 với mục đích ban đầu chỉ nhằm tu chỉnh the Articles of Confederation. Nhưng cuối cùng Hội nghị lại quyết định làm ra một văn bản lập hiến mới với mục tiêu tạo lập một cấu trúc liên hiệp (union) nhằm gắn kết vững chắc 13 tiểu Bang nhưng vẫn đảm bảo tự do, chủ quyền cho từng tiểu Bang. Tuy nhiên vẫn có nhiều người nghi ngờ tính khả thi hoặc phản đối chống lại dự thảo hiến pháp. Những người ủng hộ bản dự thảo hiến pháp mới được gọi là Federalist – người Liên bang, còn nhóm chống lại được gọi là anti-Federalist – người Chống Liên bang.
[2] “popular government” ở đây James Madison dùng với ý phân biệt với chính thể thịnh hành lúc đó là chính thể quân chủ thế tập (hereditary monarchy) quyền lực tập trung chủ yếu trong tay một người và do đời trước truyền lại. Còn chính thể popular government là chính thể do người dân lập nên và quyền lực được phân bổ cho nhiều người trong một thời hạn nhất định. Vào thời điểm này thuật ngữ và ý niệm dân chủ (democracy) vẫn chỉ được hiểu theo nghĩa dân chủ sơ khai kiểu trực tiếp của Hy Lạp cổ đại – tất cả mọi công dân đều tham dự vào quyết định, điều hành, kể cả người khôn, có học, lẫn người kém khôn, ít học. Những nhà lập quốc Mỹ, điển hình là James Madison cùng nhóm Federalist của ông rất thiếu thiện cảm với kiểu dân chủ vừa nói. Xem thêm phần Thuật ngữ mục “Chính thể bình dân”. (Thuật ngữ sẽ được trích đăng kèm vào phần 3 của blogspot này)
[3] Nguyên văn “public councils” là một trong những thiết chế quản lý thuộc địa và giám sát sự hoạt động lập pháp của các nghị hội (assembly – với các đại diện được bầu) trong thời kỳ thuộc địa. Có thể hiểu “public council” như thượng viện và “assembly” như hạ viện sau này.
[4] Lúc này đa phần 13 tiểu Bang đã tự xây dựng Hiến pháp riêng.
[5] Lúc này tại Mỹ chưa có đảng chính trị (political party), “đảng phái” ở đây chỉ theo nghĩa các nhóm với các quan điểm khác nhau.
[6] Nguyên văn “permanent and aggregate interests”.
[7] Nguyên văn “self-love” (tự ái) – nhan đề một bài luận của David Hume (1711-1776), người Scotland, có ảnh hưởng rất nhiều tới tư tưởng của Madison và nhóm Federalist.
[8]civil society”.
[9] Ý bi quan này về con người trùng với ý của Thomas Hobbes (1588-1679) trong Leviathan, Chương 14 và ý của Tuân Tử (kh.313-239 Tr.CN).
[10] Điểm này lại cho thấy tác giả không đặt kỳ vọng chính vào các cá nhân lãnh đạo, dù là người tài giỏi nhất, mà đặt vào khả năng kiểm soát của cấu trúc chính trị sao cho người lãnh đạo buộc phải tâm huyết nhất cho lợi ích công. Đây cũng là khác biệt nền tảng với học thuyết của Khổng Tử – chỉ mong ngóng, trông chờ ở con người cá nhân (quân tử, kẻ sĩ, vua, chúa).
[11] Đây là một lý luận có thể giải thích thêm cho việc nước Mỹ vào buổi đầu lập nước không có đảng chính trị và đa phần các chính trị gia thường không thiện cảm với đảng chính trị. Thomas Jefferson từng phát biểu vào năm 1789: “Nếu tôi không thể lên được Thiên đàng vì không phải là đảng viên thì tôi sẽ chả bao giờ muốn lên đó cả.” Nhưng chính Thomas Jefferson là người đã lập ra đảng Democratic-Republican Party vào khoảng năm 1796, là tiền thân của đảng Dân chủ (democratic) hiện nay.
[12] Tức thông qua các luật hợp với hiến pháp cho phép thực hiện các hành động bạo động, trấn áp.
[13] Trong giới chính trị gia của nước Mỹ thời kỳ đầu thường có quan điểm không thiện cảm với dạng chính quyền dân chủ (democracy) kiểu sơ khai - dựa vào sự tán thành của đa số dân chúng - vì họ cho rằng, và cũng là sự thật của trình độ xã hội nói chung lúc đó, khối đa số dân chúng là những người thiếu hiểu biết về chính trị.
[14] Đoạn này gợi đến nhiều ý kiến trong tư tưởng của Benedict Spinoza (1632-1677) người Hà Lan và của Niccolò Machiavelli (1469-1527) người Ý. A.A.
[15] Đây là dạng dân chủ sơ khai ở các thành bang của Hy Lạp cổ đại.
[16] Những nhận xét này có tính tiên tri về sự thủ tiêu, trấn áp các hội đoàn đối lập, các cá nhân bất đồng chính kiến trong các chính thể độc tài phát-xít hay cộng sản sau này.
[17] Xem lại lập luận trong Federalist 9 về vấn đề này.
[18] Toàn bộ ý đoạn này trùng với một ý trong bài luận Idea of a perfect commonwealth viết năm 1754 của David Hume (1711-1776).
[19] Đoạn này như một tiên tri về cách đoạt quyền của những lãnh tụ độc tài phát-xít hay cộng sản sau này.
[20] Tác giả James Madison ở đây thường dùng những hình dung từ và các từ liên quan tới thiên văn học, như 'centre', 'compass', 'sphere', 'diffusive', để mô tả đặc điểm và tính cách con người. Điều tương tự được lặp lại trong Federalist 48 khi ông nói về cấu trúc chính quyền. Điều này cho thấy tư duy của tác giả nhìn xét sự vật với một nhãn quan rất rộng lớn, bao quát. A.A.
[21] “national”. Vì lúc này các tiểu bang rất e ngại khi hình thành liên hiệp các quyền tự do của họ sẽ bị mất hoặc thuyên giảm, do đó các nhà lập hiến Mỹ đã tránh các từ ngữ có thể làm trầm trọng thêm quan ngại đó. Vì vậy trong Hiến pháp Mỹ không hề có từ “dân tộc”, “quốc gia” (nation, national) mà chỉ có từ “nhân dân” (we the people) và chính quyền liên bang (federal government). Nhưng các tác giả Federalist đã mạnh dạn một cách dè dặt dùng các từ như “chung” (general) “quốc gia” (national) để chỉ chính quyền, quốc gia chung của 13 tiểu Bang hợp lại. Xem thêm ghi chú số 1 trong Federalist 3, ghi chú số 25 Federalist 9.
[22] Ở đây chúng ta cần nhớ lại quan niệm của tác giả- James Madison, cũng như nhiều chính trị gia Mỹ lúc đó, nói đến dân chủ có nghĩa là thể chế dân chủ trực tiếp ở các thành bang (polis) thời Hy Lạp cổ đại với qui mô dân số rất nhỏ, chỉ khoảng vài trăm nghìn người, và số người có tư cách công dân - được tham gia điều khiển chính quyền - chỉ chiếm khoảng 10%. Đoạn này cũng cho thấy tư duy của tác giả, và người cùng thời, có sự phân biệt giữa Cộng hòaDân chủ, khác với quan niệm ngày nay: cộng hòa và dân chủ gần như là một.
[23] Đa số của toàn cộng đồng.
[24] Ở đây chúng ta nên xem lại những lý do khiến Montesquieu đã nghiêng về ủng hộ mô hình cộng hòa có lãnh thổ nhỏ (khác với Publius). De l'esprit des lois, Chương XVI, Quyển 8, Montesquieu viết: “Dans une grande république, il y a de grandes fortunes, et par conséquent peu de modération dans les esprits: il y a de trop grands dépôts à mettre dans les mains d'un citoyen; les intérêts se particularisent; un homme sent d'abord qu'il peut être heureux, grand, glorieux, sans sa patrie; et bientôt, qu'il peut être seul grand sur les ruines de sa patrie. Dans une grande république, le bien commun est sacrifiés à mille considérations: il est surbordonné à des exceptions; il dépend des accidents. Dans une petite, le bien public est mieux senti, mieux connu, plus près de chaque citoyen; les abus y sont moins étendus, et par conséquent moins protégés.” - “Trong một nước cộng hòa lớn, có những người giàu khổng lồ khiến lòng người khó kiềm chế: có những tín chấp quá lớn cho mỗi công dân; các quan tâm trở nên cá nhân hóa; người ta trước hết cảm thấy có thể trở thành hạnh phúc, vĩ đại, vinh quang mà không cần tổ quốc; và sớm muộn người ta sẽ thành kẻ vĩ đại duy nhất đứng trên một đất nước hoang tàn. Trong một nước cộng hòa lớn, tài sản công phải chia cho hàng vạn đòi hỏi: nó phải phục vụ cho các ngoại lệ và lệ thuộc vào nhiều bất trắc. Trong nước cộng hòa nhỏ, người dân cảm nhận rõ hơn, biết rõ hơn và gần gũi hơn với tài sản công; các lạm dụng tài sản công ở mức độ nhỏ hơn và hệ quả là dễ bị phát hiện hơn."
[25] Từ quan niệm tôn giáo phải tách rời chính quyền, người Mỹ rất sợ tôn giáo can thiệp vào quyền lực chính trị hoặc trở thành quyền lực chính trị - điều hành cộng đồng, quốc gia.
[26] Xem thêm phần Thuật ngữ mục "Bang liên".
[27] Trước khi xảy ra Cách mạng, thuộc địa lâm vào cảnh thiếu tiền, một mặt vì nguồn kim loại quí ngày càng hiếm, mặt khác vì chính quyền Anh  đã ra đạo luật Currency Act 1764 cấm thuộc địa in tiền giấy nhằm kiểm soát chặt thuộc địa. Sau Cách mạng, nhu cầu tiền giấy càng tăng cao do tầng lớp nghèo khó muốn được trả nợ bằng tiền giấy nhưng nhiều Bang vẫn duy trì chính sách cấm tiền giấy, điển hình là Massachusetts nơi xảy ra cuộc nổi dậy Shays, trong khi một số Bang khác như Rhode Island dưới áp lực của các con nợ đã chấp nhận cho in tiền giấy.
[28] Sau chiến tranh giành độc lập, chính quyền trung ương và các tiểu Bang phải đối mặt với vấn đề trả nợ cho các cá nhân, tổ chức đã cho chính quyền vay. Có người có quan điểm xóa nợ hoặc không trả. Nhưng có người giữ quan điểm phải thanh toán đầy đủ, dù là chậm, để giữ lòng tin của xã hội, đại diện cho những người này là Alexander Hamilton. Bên cạnh đó còn có cả những yêu cầu giảm nợ, giãn nợ, xóa nợ của tầng lớp bần cùng đối với giới nhà giàu sau Cách Mạng, điều này đã dẫn tới cuộc nổi dậy có vũ trang do Daniel Shays (một cựu chiến binh Cách Mạng) cầm đầu, nổ ra ở Massachusetts, trong khoảng 08/1786-06/1787, là một trong những động lực cụ thể cho việc cải cách hiến pháp.