Chủ Nhật, 12 tháng 2, 2017

Donald J. Trump và ba bản Federalist (2)

Xem phần:  (1)

Đã có những gợi ý phế truất Donald J. Trump khỏi Nhà Trắng trong vòng 2 năm tới. Về lý thuyết, đề xuất này hoàn toàn có thể do Hiến pháp Mỹ, ngay từ lúc có hiệu lực vào năm 1788, đã trù liệu phế truất tổng thống bất cứ lúc nào, ngay tại Điều I. Đó là hệ thống chính trị Mỹ. Trong khi đó, hệ thống chính quyền do Đảng Cộng sản Việt Nam dựng lên ngay từ thời Hồ Chí Minh lại có những trù liệu (như Điều 50, 51 Hiến pháp 1946) nhằm chạy hết tội cho lãnh đạo.

David Hume, triết gia Scotland, năm 1754 đã tỏ ra buồn phiền về việc con người thường ít tìm hiểu các hệ thống chính quyền trong khi họ vẫn thường phải sống dưới các chính quyền bạo ngược, suy đồi. Hume biết rõ tạo dựng một hệ thống chính trị mới không dễ như “xây một con tàu mới”, nhưng, theo ông, trí tò mò con người rất cần phải đào sâu vào các hệ thống chính trị để xác định những điều hay, dở và tìm ra mô hình tốt nhất. Hume cũng hiểu chính trị không phải là vấn đề dễ hiểu và hấp dẫn với tất cả mọi người. Nhưng không có cách nào khác nếu con người muốn có một chính quyền tử tế, hoặc bớt bạo ngược hơn.

FEDERALIST 39
Phạm Hồng Sơn dịch
Hiến pháp và các nguyên tắc cộng hòa
Viết cho the Independent Journal
Thứ Tư, 16 tháng Một 1788*

James Madison

Kính gửi Nhân Dân tiểu Bang New York:

Bài viết trước đã tóm lược các dữ kiện nhằm đưa ra một đánh giá công bình mô hình chính quyền do Hội nghị đề xuất, bây giờ chúng ta bắt tay thực hiện sự đánh giá này. Câu hỏi đầu tiên tự nổi lên là phải chăng dạng thức và đặc tính tổng quát của chính quyền tuân thủ nghiêm tính chất cộng hòa. Điều hiển nhiên là không có một dạng thức chính quyền nào khác có thể tương hợp được với tài năng thiên bẩm của nhân dân Mỹ; với các nguyên tắc cơ bản của cuộc Cách mạng; hoặc với quyết tâm cao cả của những con người đã tận hiến cho tự do muốn sử dụng mọi kinh nghiệm chính trị đã có của chúng ta về năng lực tự quản của loài người. Vì vậy, nếu kế hoạch của Hội nghị bị phát hiện đã rời xa tính chất cộng hòa, những người ủng hộ chắc chắn phải từ bỏ nó vì không còn bảo vệ được nữa.
 
James Madison (1751-1836)
Vậy, những đặc thù của một nền cộng hòa là gì? Nếu tìm một câu trả lời dựa vào sự áp dụng của các học giả chính trị trong hiến pháp của các quốc gia khác nhau, chứ không phải căn cứ trên các nguyên lý, chúng ta sẽ không thể tìm được một câu trả lời hoàn hảo. Hà Lan, không một thành tố nào trong quyền lực tối cao ở quốc gia này xuất phát từ dân chúng, vẫn gần như được tất cả định danh là một nước cộng hòa. Cùng cái tên đó cũng được dành cho Venice[1] nơi quyền lực tuyệt đối ngự trên toàn dân theo cách tuyệt đối nhất bằng một nhóm nhỏ quí tộc thế tập. Ba Lan, một chính quyền có sự pha trộn kém cỏi nhất giữa quí tộc trị và quân chủ trị, cũng được tôn vinh bằng đúng danh hiệu đó. Chính quyền Anh, nơi chỉ có một nhánh quyền lực mang tính cộng hòa[2] là sự phối hợp giữa quí tộc thế tập trị (hereditary aristocracy) và quân chủ trị (monarchy)[3], vẫn thường xuyên được liệt, một cách cũng sai lầm, vào danh mục các nước cộng hòa. Những ví dụ này, gần như vừa khác nhau và vừa khác với một nền cộng hòa đúng nghĩa, cho thấy thuật ngữ cộng hòa đã được sử dụng hết sức bất chính xác trong các diễn ngôn chính trị.

Nếu chúng ta lấy ra một nguyên tắc chung cho các nguyên lý vận hành khác nhau của các chính thể đã tồn tại, chúng ta có thể định nghĩa một nước cộng hòa, hoặc ít nhất danh tính này có thể áp dụng, là một chính quyền có tất cả mọi quyền lực đều trực tiếp hoặc gián tiếp có khởi nguồn từ đa số dân chúng, và được điều hành bởi những người có nhiệm kỳ bấp bênh [4]trong một thời hạn xác định hoặc có nhiệm kỳ phẩm hạnh[5].

CỐT YẾU đối với dạng chính thể này là nó có nguồn từ một bộ phận lớn của xã hội[6], không phải từ một tỷ lệ không đáng kể hay từ một giai tầng ưu ái nào đó của xã hội; nếu khác, một nhúm quí tộc bạo quyền, chuyên tiến hành trấn áp thông qua những kẻ dưới quyền, cũng sẽ mong mỏi đứng vào hàng ngũ cộng hòa, và tuyên xưng chính quyền của họ với danh hiệu cao cả cộng hòa. ĐIỀU ĐỦ cho chính quyền kiểu này là những kẻ điều khiển nó phải do người dân, trực tiếp hay gián tiếp, lập nên; và nắm giữ các chức vụ theo một trong hai cách vừa nêu[7]. Nếu khác, mọi chính quyền trong Hợp Chúng Quốc (United States)[8], cũng như mọi chính quyền bình dân[9], với cấu tạo hoàn hảo hoặc vận hành tốt đến đâu, cũng sẽ không có phẩm tính cộng hòa. Nhìn vào hiến pháp của mọi tiểu Bang trong Liên hiệp[10], một số viên chức chính quyền chỉ được người dân lập qua cách gián tiếp. Đa phần hiến pháp cho thấy ông thống lãnh hành pháp đang được chọn như vậy.

Một hiến pháp còn cho thấy cách bổ nhiệm này được áp dụng cả cho một nhánh của lập pháp đa viện. Nhưng theo mọi hiến pháp, nhiệm kỳ của tất cả các chức vụ cao nhất đều có thời hạn nhất định, và trong nhiều trường hợp, cả hành pháp và lập pháp, trong khoảng một số năm. Cũng theo dự trù của đa phần hiến pháp, và theo cả các ý kiến phổ biến và uy tín nhất trong lĩnh vực này, các thành viên của bộ phận tư pháp sẽ giữ nhiệm sở chắc chắn theo nhiệm kỳ phẩm hạnh.

Đối chiếu Hiến pháp của Hội nghị với tiêu chuẩn vừa trình bày, chúng ta nhận ra ngay bản Hiến pháp giống y như tiêu chuẩn theo nghĩa chặt chẽ nhất.

Cơ quan Đại diện[11], giống ít nhất một nhánh trong các lập pháp tiểu Bang, được bầu trực tiếp từ đa số dân chúng. Thượng viện, như Quốc hội hiện tại, và giống Thượng viện của Maryland, sẽ được dân bầu gián tiếp[12]. Tổng thống sẽ do dân lựa chọn gián tiếp như trong phần lớn các tiểu Bang. Ngay cả thẩm phán, cùng mọi viên chức khác của Liên hiệp, giống trong nhiều tiểu Bang hiện nay, sẽ là lựa chọn, dầu là lựa chọn xa, của chính nhân dân[13]. Thời gian tại vị của các chức vụ cũng tuân theo tiêu chuẩn cộng hòa[14]. Giống trong tất cả các tiểu Bang, Cơ quan Đại diện sẽ được bầu lại định kỳ; cho nhiệm kỳ hai năm[15] như trong Bang South Carolina. Thượng viện được bầu cho nhiệm kỳ sáu năm[16], một năm nhiều hơn so nhiệm kỳ Thượng viện Maryland, nhưng hơn hai năm so với Thượng viện của New York và Virginia.

Tổng thống sẽ đảm nhiệm chức vụ trong thời hạn bốn năm; giống tại New York và Delaware, thống lãnh bang được bầu cho thời hạn ba năm, còn South Carolina là hai năm. Trong các tiểu Bang khác, thống lãnh được bầu lại hàng năm. Tuy nhiên, trong nhiều Bang, hiến pháp không có qui định đàn hặc[17] đối với thống lãnh hành pháp. Ở Delaware và Virginia thống lãnh chỉ bị đàn hặc sau khi rời nhiệm sở. Nhưng Tổng thống của Hợp Chúng Quốc có thể bị đàn hặc bất cứ lúc nào trong khi tại vị. Nhiệm kỳ cho thẩm phán giữ nhiệm sở, như đương nhiên cần phải, là theo nhiệm kỳ phẩm hạnh. Nhiệm kỳ của các chức vụ bộ phận, nói chung, sẽ do luật qui định, phù hợp với yêu cầu của từng chức vụ và theo kinh nghiệm của các Hiến pháp tiểu Bang.

Nếu cần thêm dẫn chứng cho tính cách cộng hòa của hệ thống này, chúng ta có thể nêu ra điểm quyết định nhất là nó cấm tuyệt đối mọi tước vị quí tộc, cả ở chính quyền liên bang lẫn tiểu Bang; và sự bảo đảm minh thị của nó về dạng thức cộng hòa cho từng chính quyền tiểu Bang.

“Song, Hội nghị chưa đủ gắn bó với dạng thức cộng hòa.” những đối thủ của Hiến pháp dự thảo nói, “Lẽ ra họ cũng phải duy trì dạng thức LIÊN BANG (federal)[18] coi Liên hiệp là một BANG LIÊN (confederacy)[19] của các nhà nước chủ quyền; thay vì thế, họ đã thiết kế một chính quyền QUỐC GIA xem Liên hiệp là một loại HỢP NHẤT các tiểu Bang[20].

Và người ta còn hỏi những cải tiến táo bạo và triệt để đó sẽ được thực hiện bằng thẩm quyền nào? Những gì đã diễn ra xung quanh phản đối này buộc chúng ta phải xem xét kỹ lưỡng hơn.

Chúng ta sẽ không truy tìm tính chính xác trong nền tảng của phản đối này, nhưng để đánh giá công bằng sức thuyết phục của nó chúng ta cần phải, thứ nhất, xác định rõ bản chất thực sự của chính quyền đang bị chất vấn; thứ hai, điều tra lại những thẩm quyền đã cho phép[21] Hội nghị đề xuất ra mô hình chính quyền như thế; thứ ba, xét xem bổn phận với đất nước của những người khởi thảo có thể tạo ra quyền lực thường trực đến đâu để sửa chữa các khuyết tật.

Thứ nhất, để xác định rõ bản chất thực của một chính quyền, chúng ta cần phải xét các tương quan sau: nền tảng thiết lập chính quyền; nguồn gốc sinh ra các quyền lực cơ bản của chính quyền; sự thực thi các quyền lực này; phạm vi tác động của chúng; và thẩm quyền nào cho phép thay sửa chính quyền đó trong tương lai.

Xem xét tương quan thứ nhất, chúng ta thấy, một mặt, Hiến pháp được đặt trên nền tảng là sự ưng thuận và phê chuẩn của nhân dân Mỹ thông qua những đại biểu được bầu cho mục đích quan trọng này; mặt khác, sự ưng thuận và phê chuẩn này của nhân dân, không phải với tư cách cá nhân của một toàn thể dân tộc mà là các cá nhân thuộc riêng các Nhà nước tiểu Bang độc lập và khác biệt[22]. Đó cũng sẽ là sự ưng thuận và phê chuẩn của các tiểu Bang xuất phát từ thẩm quyền tối cao của từng tiểu Bang - thẩm quyền của chính nhân dân ở đó. Do đó, hành động thiết lập Hiến pháp không phải là hành động mang tính QUỐC GIA (national)[23] mà là mang tính LIÊN BANG (federal).

Do Hiến pháp sẽ là một bộ luật liên bang, không phải luật quốc gia, như các thuật ngữ này đã được những người phản đối đồng ý; và hành động của nhân dân, với nghĩa “nhân dân” của các tiểu Bang độc lập chứ không phải nhân dân của một quốc gia tổng hợp[24], cách nhìn này cho thấy rõ Hiến pháp không phải là kết quả từ quyết định của một ĐA SỐ dân chúng của Liên hiệp, cũng không phải từ ĐA SỐ các Tiểu bang. Nó sẽ là kết quả từ sự ĐỒNG ưng thuận của các tiểu Bang hợp thành[25], không hề khác với sự ưng thuận thông thường trong cách bày tỏ, không phải qua thẩm quyền lập pháp mà qua thẩm quyền của chính người dân.

Nếu nhân dân trong tương quan này đã được coi là một khối dân tộc thì ý chí nhóm đa số của toàn bộ nhân dân Hợp Chúng Quốc sẽ áp buộc nhóm thiểu số theo đúng cách mà nhóm đa số áp buộc nhóm thiểu số trong từng tiểu Bang; và, ý chí của nhóm đa số sẽ phải được xác định bằng cách: hoặc qua việc so sánh các lá phiếu cá nhân, hoặc qua việc coi ý chí của đa số trong các tiểu Bang là thể hiện cho ý chí của đa số nhân dân Hợp Chúng Quốc[26].

Song, không có nguyên tắc nào vừa nói được áp dụng. Mỗi tiểu Bang, khi phê chuẩn Hiến pháp, lại được coi là một thực thể có chủ quyền, độc lập với tất cả các tiểu Bang khác và chỉ bị ràng buộc bởi chính sự tự nguyện của bản thân. Do đó, Hiến pháp mới, nếu được thiết lập, sẽ là một hiến pháp LIÊN BANG (federal), không phải một hiến pháp QUỐC GIA (national).

Trong tương quan tiếp theo, các nguồn gốc sinh ra các quyền lực thông thường của chính quyền, ta thấy Cơ quan Đại diện lấy quyền lực từ  nhân dân Mỹ; và nhân dân sẽ được đại diện trong Cơ quan Đại diện theo cùng một tỷ lệ, và trên cùng một nguyên tắc giống như họ có đại diện trong cơ quan lập pháp của từng tiểu Bang[27]. Với đặc tính này, chính quyền có tính chất QUỐC GIA, không phải LIÊN BANG. Mặt khác, Thượng viện sẽ lấy quyền lực từ nguồn là các tiểu Bang – như những thực thể chính trị đồng đẳng; các tiểu Bang sẽ có đại diện ở Thượng viện trên nguyên tắc bình đẳng, giống như họ đang có trong Quốc hội hiện nay[28]. Đặc tính này cho chính quyền tính chất LIÊN BANG, không phải QUỐC GIA.

Quyền lực hành pháp sẽ xuất phát từ một nguồn phức tạp hơn nhiều. Bầu Tổng thống sẽ do các tiểu Bang thực hiện trực tiếp tùy theo đặc điểm chính trị của mỗi tiểu Bang. Phiếu bầu cho mỗi tiểu Bang sẽ được phân theo một hệ số phức hợp: một mặt, coi các tiểu Bang là những thực thể khác biệt nhưng đồng đẳng, mặt khác lại coi các tiểu Bang là các thành viên bất bình đẳng của cùng một xã hội. Cuộc bỏ phiếu cuối cùng để chọn ra Tổng thống sẽ do nhánh lập pháp gồm các đại diện quốc gia thực hiện[29]; nhưng trong cuộc bỏ phiếu đặc biệt này những người bầu được tập hợp thành các phái đoàn riêng biệt dựa trên các nhóm chính trị khác nhau về quan điểm nhưng bình đẳng về quyền[30]. Phương diện này làm cho chính quyền tương lai có tính chất phức hợp: ít nhất các đặc tính LIÊN BANG cũng hiện diện nhiều như các đặc tính QUỐC GIA.

Về tương quan THỰC THI CHÍNH QUYỀN, Hiến pháp coi sự khác nhau giữa chính quyền liên bang và chính quyền quốc gia nằm ở đặc điểm này: quyền lực liên bang thực thi trên các thực thể chính trị cấu thành Bang liên (confederacy) với các năng lực chính trị của chúng; quyền lực quốc gia thực thi trên các công dân cá nhân thành viên của quốc gia với các năng lực riêng của họ. Xét trên tiêu chí này, Hiến pháp có tính QUỐC GIA, không phải LIÊN BANG mặc dù có thể không hoàn toàn đúng như thế. Trong nhiều tình huống, nhất là khi phân giải bất đồng giữa các tiểu Bang, vấn đề chỉ được xem xét và giải quyết với các năng lực tập thể[31] và chính trị. Như thế, vẻ mặt quốc gia của chính quyền ở khía cạnh này dường như đã bị một vài đặc tính liên bang làm biến dạng. Nhưng tỳ vết này có lẽ không thể tránh khỏi trong bất kỳ thiết kế nào; và sự thực thi chính quyền trên nền tảng nhân dân bằng các năng lực riêng của họ và qua các thủ tục thông thường, chính yếu nhất, về tổng quát, có thể định danh chính quyền trong tương quan này là một chính quyền QUỐC GIA.

Tuy thế, nếu chính quyền có tính quốc gia với góc nhìn THỰC THI quyền lực, tính chất này sẽ lại thay đổi khi ta ngẫm nó trong tương quan PHẠM VI của các quyền lực.

Ý tưởng về một chính quyền quốc gia chính là nằm ở đây, không chỉ là quyền lực bao phủ lên các công dân cá nhân mà còn là một uy quyền tối cao bất định trùm lên mọi cá nhân, sự vật cho tới khi họ và chúng còn là những đối tượng của một chính quyền hợp luật. Trường hợp một khối người hợp lại thành một quốc gia, uy quyền tối cao đó được giao hoàn toàn cho cơ quan lập pháp quốc gia[32]. Nhưng, trường hợp các cộng đồng hiệp lại với nhau cho những mục đích đặc biệt, uy quyền tối cao phân cho hai nơi: một phần ở cơ quan lập pháp chung, phần kia ở các cơ quan lập pháp bộ phận.  

Trong trường hợp đầu, mọi thẩm quyền địa phương đều lệ thuộc thẩm quyền tối cao; và có thể bị kiểm soát, điều hướng hoặc bãi bỏ tùy theo ý muốn của thẩm quyền tối cao.

Trong trường hợp sau, các thẩm quyền địa phương hoặc bộ phận là các thành phần độc lập, riêng biệt trong thẩm quyền tối cao, không chỉ không còn lệ thuộc vào thẩm quyền chung trong các phạm vi riêng biệt của chúng mà thẩm quyền chung lại lệ thuộc chúng nhiều hơn ngay trong lĩnh vực riêng của thẩm quyền chung.

Như vậy, trong mối tương quan này, mô hình chính quyền được đề xuất không thể được coi là một chính quyền QUỐC GIA; vì quyền hành (jurisdiction) của nó chỉ có với một số đối tượng được xác định trước, và nó để cho các tiểu Bang được có một quyền chủ tể đọng lại[33] bất khả xâm phạm trên tất cả các đối tượng khác. Đương nhiên, trong trường hợp có bất đồng về ranh giới giữa hai loại quyền hành này, tòa đưa ra phán quyết tối hậu sẽ phải được lập dưới chính quyền chung.

Nhưng điều này không làm thay đổi nguyên lý của vấn đề. Vì phán xét sẽ phải được thực hiện bất thiên vị, tuân theo các qui định của Hiến pháp; và tất cả các biện pháp đề phòng thông thường nhất, cẩn thận nhất sẽ được áp dụng để bảo vệ tính bất thiên vị này. Loại tòa án như thế rõ ràng là điều cốt tử để tránh phải viện tới gươm đao và tan rã kết ước; và nó cũng cần được thiết lập dưới chính quyền chung hơn là chính quyền địa phương hoặc, nói một cách rõ hơn, rằng tòa án này sẽ an toàn khi được thiết lập chỉ dưới thẩm quyền chung, một vị thế khó còn tranh cãi.

Nếu xét bản Hiến pháp, trong mối tương quan cuối cùng, với thẩm quyền để tu chính bản thân nó, chúng ta sẽ thấy nó không hoàn toàn là QUỐC GIA cũng không hoàn toàn là LIÊN BANG. Nếu hoàn toàn là quốc gia, thẩm quyền tối cao và tối hậu phải thuộc về ĐA SỐ nhân dân của Liên hiệp; và thẩm quyền này sẽ phải luôn luôn có hiệu lực, như thẩm quyền của một đa số trong mọi xã hội quốc gia, khi tu chính hay xóa bỏ một chính thể đã lập.

Mặt khác, nếu nó hoàn toàn là liên bang, phải có tán thành đồng thời của mọi tiểu Bang trong Liên hiệp cho mọi thay đổi ràng buộc tất cả. Cách thức do Hội nghị đề xuất không dựa trên nguyên tắc nào vừa nêu. Bằng đòi hỏi nhiều hơn một đa số, và một số nguyên tắc. Bằng đòi hỏi nhiều hơn một đa số, và đặc biệt bằng tính tỷ lệ theo TIỂU BANG, không phải theo CÔNG DÂN,  bản Hiến pháp đã rời tính chất QUỐC GIA và tiến nhiều sang LIÊN BANG; bằng không đòi hỏi phải có tán thành của tất cả các tiểu Bang, nó lại bớt đi đặc tính LIÊN BANG và lấy thêm tính chất QUỐC GIA.

Vì vậy, bản Hiến pháp dự thảo, trong ý nghĩa chặt chẽ, không phải là hiến pháp quốc gia, cũng không phải hiến pháp liên bang, mà là tổng hợp của cả hai. Về nền tảng, nó là liên bang, không phải quốc gia; về nguồn gốc sinh ra quyền lực cơ bản cho chính quyền, nó vừa là liên bang vừa là quốc gia; trong sự thực thi các quyền lực này, nó lại là quốc gia, không phải liên bang; về phạm vi của quyền lực, nó lại là liên bang, không phải quốc gia; và cuối cùng, xét về thẩm quyền tu chính, bản Hiến pháp dự thảo không hoàn toàn thuộc đặc tính liên bang, cũng không hoàn toàn thuộc đặc tính quốc gia.

Publius

* Trong năm (5) nguồn tham khảo (nêu trong Lời giới thiệu) chỉ có hai nguồn (www.constitution.org; bản dịch Pháp văn Le Fédéraliste của Anne Amiel, Paris Classiques Garnier, 2012) ghi thời gian xuất bản bài này (như ghi ở đây), nhưng chỉ có bản đầu ghi thứ của ngày trong tuần. Nguồn Anh ngữ căn bản để dịch:

- Các ghi chú là của người dịch. Những ghi chú có chữ A.A. là dựa theo ghi chú trong bản dịch Pháp văn của Anne Amiel.

(còn 1 phần)



[1] Chính thể cộng hòa nằm ở phía đông bắc Italy hiện nay, tồn tại gần 1000 năm từ cuối thế kỷ VII đến 1797, thường được giới nghiên cứu chính trị quan tâm vì mặc dù lâm chiến liên miên nhưng là một chính thể mạnh về kinh tế và thương mại và đặc biệt tồn tại rất lâu.
[2] Tức Viện thứ dân, the House of Commons, của nghị viện Anh, được hình thành qua lá phiếu của người dân.
[3] Tác giả có ý nói đến Viện Quí tộc, House of Lords – thượng nghị viện – của Nghị viện Anh, hình thành từ các chức sắc tôn giáo như các giám mục, chức sắc thế tục như giới quý tộc hoặc những tước vị cao cấp và tất cả có tính cha truyền con nối hoặc được tuyển chọn không qua lá phiếu của dân; còn “quân chủ trị” là nói đến vai trò của vua (hoặc nữ hoàng) Anh nắm quyền hành pháp.
[4] “during pleasure” - Nhiệm kỳ có hạn định là 2, 4 hoặc 5 năm, v.v. nhưng có thể bị truất quyền, phế bỏ chức vụ bất cứ lúc nào khi người dân cảm thấy không hài lòng (pleasure). Thuật ngữ này đối ngược với nhiệm kỳ phẩm hạnh “during good behavior”. Xem thêm phần Thuật ngữ.)
[5] “during good behavior” - Nhiệm kỳ vô thời hạn (coi như suốt đời đến khi về hưu hoặc tới lúc từ chức) chừng nào phẩm hạnh của người giữ chức vụ này vẫn được coi là tốt đẹp dù người dân có thể không thấy hài lòng (pleasure). Xem thêm phần Thuật ngữ.
[6] Nguyên văn “great body of the society” (một bộ phận lớn của xã hội), tác giả nói theo nghĩa hết sức chính xác, vì kể cả có 100% số phiếu ủng hộ thì điều đó cũng chưa hẳn là 100% dân số vì thực tế không bao giờ có 100% người dân đi bỏ phiếu.
[7] Nhiệm kỳ bấp bênh (during pleasure) hoặc nhiệm kỳ phẩm hạnh (during good behavior).
[8] Tức nước Mỹ mới thành lập.
[9] “popular government”. Xem thêm phần Thuật ngữ.
[10] Lúc này đa phần 13 tiểu Bang đã tự xây dựng Hiến pháp riêng.
[11] “House of Representatives” (thường được dịch là Hạ viện) là một trong hai viện của cơ quan lập pháp (quốc hội) của Mỹ, viện kia là Thượng viện (senate).
[12] Ý này sẽ thành Điều (Article) 1 Khoản (section) 3 của Hiến pháp Mỹ qui định các thượng nghị sỹ liên bang sẽ do các cơ quan lập pháp tại tiểu bang bầu trực tiếp. Mãi đến năm 1913, tu chính án thứ 17 qui định lại, yêu cầu thượng nghị sỹ liên bang do nhân dân các bang bầu trực tiếp.
[13] Nghĩa là người dân không bầu trực tiếp ra các chức vụ này mà qua sự đề cử và phê duyệt của những người do dân đã bầu ra. Ví dụ, Tổng thống đề cử thẩm phán liên bang hoặc các chức vụ tổng trưởng với sự phê chuẩn của Thượng viện.
[14]Tức theo nhiệm kỳ bấp bênh hoặc nhiệm kỳ phẩm hạnh
[15] Ý này đã được hiện thực hóa thành Điều 1 Khoản 2 Hiến pháp Mỹ qui định cứ 2 năm Hạ nghị viện Mỹ phải bầu lại.
[16] Ý này đã được hiện thực hóa thành Điều 1 Khoản 3 Hiến pháp Mỹ qui định cứ 2 năm có 1/3 Thượng nghị sỹ phải bầu lại.
[17] “impeachment”, xem thêm phần Thuật ngữ.
[18] Xem thêm phần Thuật ngữ.
[19] Xem thêm phần Thuật ngữ.
[20] Đây là một ý của nhóm anti-federalist phản đối Hiến pháp, phản đối sự hợp nhất 13 tiểu Bang thành một thực thể dưới một chính quyền chung, vì họ sợ chính quyền liên bang (dự kiến) có bản chất giống như chính quyền của một tiểu Bang ở nghĩa thu vén và kiểm soát tất cả mọi vấn đề của các tiểu Bang, nghĩa là làm cho các tiểu Bang mất quyền chủ tể (sovereignty). Chính vì vậy, ở phần trình bày tiếp theo và trong các FP khác, vấn đề phân biệt giữa chính quyền liên bang và tiểu bang sẽ được làm rõ. Ở đây chúng ta nên chú ý một số thuật ngữ có những sắc thái khác nhau khá tinh tế: Trước hội nghị lập hiến tại Philadelphia, hình thức gắn kết của 13 bang (thuộc địa cũ) được gọi là Confederation. Nhưng khi thảo ra bản hiến pháp mới, các nhà lập hiến đã tạo ra một dạng thức chính quyền mới trên cơ sở tương tự như Confederation nhưng có nhiều cải tiến dường như chưa từng có trong lịch sử và bản thân họ, hình như, cũng chưa tự tin hoàn toàn trong việc đặt tên cho hình thức mới này nên những thuật ngữ như federation, confederation, confederacy vẫn thỉnh thoảng được dùng lẫn cho nhau mà ngày nay chúng ta có thể hiểu là cùng một nghĩa: liên bang. Chính vì thế, để làm bớt sự băn khoăn, và tránh ngộ nhận, và làm rõ hơn về dạng thức chính quyền mới, trong FP 9 Alexander Hamilton đã giải thích kỹ sự khác biệt quan trọng giữa dạng thức LIÊN BANG (confederacy, federation) với dạng thức HỢP NHẤT (consolidation).
[21] Một trong những luận cứ của những người phản đối dự thảo Hiến pháp là Hội nghị Phidelphia không được phép đưa ra một hiến pháp hoàn toàn mới như đang thấy vì lý do triệu tập Hội nghị chỉ là nhằm sửa đổi thỏa ước the Articles of Confederation.
[22] Tác giả có ý làm rõ và nhấn mạnh bản hiến pháp vẫn tôn trọng chủ quyền riêng biệt và những tự do riêng biệt của từng bang khi trở thành thành viên của liên bang như hiến pháp dự liệu.
[23] Vì lúc này các tiểu bang rất e ngại khi hình thành liên hiệp các quyền tự do của họ sẽ bị mất hoặc thuyên giảm, do đó các nhà lập hiến Mỹ đã tránh các từ ngữ có thể làm trầm trọng thêm quan ngại đó. Vì vậy trong Hiến pháp Mỹ không hề có từ “dân tộc”, “quốc gia” (nation, national) mà chỉ có từ “nhân dân” (we the people) và chính quyền liên bang (federal government). Đoạn này cũng cho thấy e ngại đó. Nhưng chúng ta sẽ thấy các tác giả FP sau này sẽ mạnh dạn một cách dè dặt dùng các từ như “chung” (general) “quốc gia” (national) để chỉ Liên hiệp mới. Xem thêm ghi chú số 1 trong FP 3.
[24] Xem lại ghi chú ở trên.
[25] Thực tế, những người dự thảo Hiến pháp đã ấn định Hiến pháp sẽ được thông qua nếu có 9/13 tiểu Bang phê chuẩn. Tại sao những người soạn Hiến pháp lại quyết định như thế, chúng ta sẽ thấy một giải thích trong FP 40.
[26] Để dễ hiểu hơn ta có thể coi như thế này: Hợp Chúng Quốc đó có 13 Bang với tổng số dân là 2 000 người (coi như đều đủ tư cách bỏ phiếu). Vậy xét đa số “qua việc so sánh các lá phiếu cá nhân” là xét trên tổng số 2 000 lá phiếu đó, sẽ có bao nhiêu người đồng ý/không đồng ý. Và xét ý chí đa số của các tiểu Bang là xét xem trong 13 bang đó có bao nhiêu bang đồng ý/không đồng ý. Hai cách xem xét này có thể không trùng nhau về kết quả dựa trên tổng số dân, vì có thể số các bang “đồng ý” không đạt được quá bán của 13 bang, nhưng tổng số dân trong các bang “đồng ý” này lại chiếm đa số dân trong tổng số 2 000 người dân (của toàn 13 bang). Bởi tổng số dân ở các bang “không đồng ý” ít hơn tổng số dân có trong các bang “đồng ý”.
[27] Số đại diện trong Hạ viện của các tiểu Bang được ấn định dựa trên tỷ lệ dân số. Hiến pháp Mỹ Điều 1 Khoản 2 qui định cứ 30.000 dân có 01 đại diện trong Cơ quan Đại diện (Hạ viện), nhưng ít nhất một bang phải có 01 đại diện.
[28] Nghĩa là dù bang ít dân hay nhiều dân thì số thượng nghị sỹ mỗi bang đều giống nhau, không theo tỷ lệ dân số như Hạ viện. Hiến pháp Mỹ Điều 1 Khoản 3 qui định mỗi tiểu bang có 2 thượng nghị sỹ.
[29] Chính là Cơ quan Đại diện (Hạ viện).
[30] Hiến pháp Mỹ Điều 2 Khoản 1 qui định cách thức bầu Tổng thống, tóm tắt: Mỗi tiểu Bang sẽ đề cử, theo thể thức do cơ quan lập pháp của Tiểu bang đó qui định, một số cử tri (elector) bằng tổng số Thượng nghị sỹ và Hạ nghị sỹ mà tiểu Bang đó có tại Quốc hội Liên bang để bầu tổng thống và phó tổng thống. Tiến trình đó gọi là Electoral College, các cử tri đó thường được người Việt gọi là đại cử tri. Tổng số đại cử tri hiện nay là 538 (435 + 100 + 3; 3 là số đại cử tri được dành riêng cho District of Columbia theo Tu chính Án số 23 được các tiểu Bang phê chuẩn ngày 29/3/1961). Các đại cử tri sẽ tập hợp lại tại từng tiểu Bang của họ để bỏ phiếu cho hai ứng cử viên Tổng thống – trong đó ít nhất có một người không cư trú tại tiểu Bang của họ. Nếu ứng cử viên nào được đa số phiếu cử tri đoàn (tối thiểu 270) thì đắc cử Tổng thống. Nếu có hai ứng cử viên có số phiếu cử tri đoàn chiếm đa số bằng nhau thì Hạ viện sẽ bỏ phiếu chọn Tổng thống trong hai người này. Nếu không có ai được đa số phiếu cử tri đoàn, Hạ viện sẽ bỏ phiếu cho năm người có số phiếu cao nhất theo cách: mỗi tiểu Bang được một phiếu với điều kiện phải có đại diện của ít nhất 2/3 tổng số các tiểu Bang. Sau khi chọn được Tổng thống, người có số phiếu nhiều nhất sẽ là Phó Tổng thống. Nếu có hai hoặc nhiều người cùng có số phiếu như nhau thì Thượng viện sẽ bỏ phiếu chọn Phó Tổng thống.
[31] Tức với mục tiêu vì toàn liên bang.
[32] Ý tưởng “cơ quan lập pháp quốc gia nắm uy quyền tối cao” là một ý tưởng thịnh hành lúc đó. Nhưng, các diễn tiến về học thuật chính trị sau này không còn coi như thế, mà “uy quyền tối cao” được san sẻ, ước chế và cân bằng giữa lập pháp-hành pháp-tư pháp.
[33] “A residuary sovereignty” - đây là thuật ngữ do tác giả sáng tạo, sẽ được nhắc lại trong FP 62. A.A.